Thời sự
Điều hành kinh tế như chỉ huy một cuộc chiến
Mạnh Bôn - 01/02/2014 09:05
“Điều hành kinh tế cũng giống như chỉ huy cả một cuộc chiến, có những lúc phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kéo pháo vào trận địa rồi lại phải kéo pháo ra vì điều kiện chưa cho phép tiến công để đạt mục tiêu cuối cùng là thắng lợi cao nhất và trả giá thấp nhất”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn nhân dịp Xuân mới. >>> Hoàn thiện nhân sự SBIC sau khi giáng cấp Vinashin >>> Hình hài SBIC khác Vinashin thế nào? >>> Tái cơ cấu DNNN: Trở đi mắc vốn, trở lại mắc lương

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, gom một số tổng công ty lại để thành lập tập đoàn sau đó lại giải tán một số tập đoàn để tái thành lập tổng công ty là cái vòng luẩn quẩn. Phó thủ tướng bình luận gì về nhận định này?

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh

Việc thành lập tập đoàn kinh tế được xác định ngay từ đầu là làm thí điểm với mong muốn là thành lập những “quân đoàn chủ lực” trên mặt trận kinh tế.

Sau một thời gian thí điểm, đã có khoảng 10 tập đoàn kinh tế ra đời, trong đó có nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả, là động lực phát triển cho những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau thời gian “đánh nhanh thắng nhanh”, nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, điều kiện, hoàn cảnh giờ đã khác trước, nên chúng ta đã quyết định dừng thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, một số tập đoàn kinh tế (như Vinashin, HUD…) hoạt động không hiệu quả thì cho quay trở lại mô hình tổng công ty.

Nhớ lại trận chiến Điện Biên phủ cách đây 60 năm, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cứ duy ý chí, cứng nhắc trong điều hành, kéo pháo vào trận địa mà không kéo pháo trở lại nơi tập kết ban đầu khi điều kiện để chiến thắng chưa chín muồi, thì dân tộc ta chắc đã phải trả cái giá rất đắt và phải mất nhiều thời gian hơn nữa mới có được chiến thắng lẫy lừng khắp năm châu.

Tương tự, nếu bây giờ chúng ta duy ý trí, cứng nhắc với quan điểm những tập đoàn nào đã thành lập rồi thì không giải tán, chắc chắn nền kinh tế sẽ phải trả giá, có thể là cái giá rất đắt.

Với chiến lược “đánh chắc thắng chắc”, SBIC sẽ chỉ tập trung cho lĩnh vực thế mạnh là đóng tàu và sửa chữa tàu biển

Thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở “hạ cấp” Vinashin, Phó thủ tướng có cho rằng, đây chính là việc chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”?

Khi chúng ta thành lập Vinashin (ngày 15/52006), kinh tế thế giới đang ở giai đoạn phát triển mạnh, nhu cầu vận tải biển lớn kéo theo nhu cầu đóng mới tàu biển cao. Trong khi đó, sau 10 năm hoạt động, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành công nghiệp tàu thủy, vì vậy, việc thành lập Vinashin khi đó là chính xác, với ước muốn xây dựng nền công nghiệp đóng tàu tầm cỡ thế giới.

Nhưng kể từ năm 2008 trở lại đây, kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái và tăng trưởng chậm lại, nên nhu cầu đóng tàu biển giảm mạnh, Vinashin cũng như hầu hết các tập đoàn đóng tàu khác trên thế giới rơi vào khó khăn, thì chuyển đổi mục tiêu là việc phải làm.

Nếu như trước đây, Vinashin có tới 230 công ty con, thì giờ đây, SBIC chỉ còn 8 công ty con, nhưng tổng năng lực đóng tàu vẫn chiếm 70-75% cả nước, chỉ giảm 10% so với trước đây. Năm 2013, theo như tôi biết, nhờ việc tái cơ cấu, nên cân đối tài chính toàn tập đoàn đã lãi 7.900 tỷ đồng. Còn năm 2014, SBIC đặt mục tiêu đạt tổng giá trị sản lượng 7.458 tỷ đồng, tăng 120% so với năm 2013, bàn giao 78 chiếc tàu cho khách hàng.

Trước đây, với 230 đơn vị thành viên, Vinashin đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, còn hiện tại, SBIC chỉ tập trung cho lĩnh vực mà SBIC có thế mạnh là đóng tàu và sửa chữa tàu biển. Với chiến lược “đánh chắc thắng chắc” này, chắc chắn SBIC sẽ được vực dậy.

SBIC là điển hình cho việc mạnh dạn tái cơ cấu và có thể tạm coi là đã thành công bước đầu. Nhưng với cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng có nghĩ rằng, tiến trình tái cơ cấu dường như đang chậm lại?

Tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành từ nhiều năm trước và khởi động mạnh mẽ từ năm 1992 với tiến trình cổ phần hóa. Từ đó đến nay, Trung ương Đảng đã có nhiều nghị quyết về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thích ứng với từng điều kiện, hoàn cảnh trong giai đoạn cụ thể.

Tái cơ cấu là quá trình liên tục, không có điểm dừng. Nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau phải có chiến lược, sách lược khác nhau như Bác Hồ đã dạy “dĩ bất biến ứng vạn biến” để đạt được mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Trước đây, quy mô nền kinh tế còn nhỏ và chưa hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, mục tiêu chính là phải đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, nên sách lược tái cơ cấu phải phù hợp với mục tiêu. Còn bây giờ, điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế đã khác trước rất nhiều, nên phải có sách lược khác là phát triển bền vững, tăng trưởng theo chiều sâu theo kiểu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nên yêu cầu tái cơ cấu cao hơn, thận trọng hơn, quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn, chứ không chậm lại.

Trong “thế giới phẳng”, mình tiến chậm, ngập ngừng trong đổi mới đồng nghĩa với việc bị các nền kinh tế khác bỏ xa.

Thưa Phó thủ tướng, vẫn biết là như thế, nhưng nếu quá thận trọng trong thoái vốn - một trong những khâu trọng yếu trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - thì tiến trình tái cơ cấu khó có thể tiến nhanh được?

Thận trọng, nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn và kết hợp với linh động, uyển chuyển tức là “ứng vạn biến”. Việc thoái vốn cũng thực hiện theo phương châm này. Cụ thể là phải phân loại doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp càng để vốn nhà nước càng mất do hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả, thì phải thoái vốn càng nhanh càng tốt. Thậm chí, Nhà nước phải chấp nhận thua thiệt, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để lấy lợi ích toàn cục “dĩ bất biến” là nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế.

Hơn nữa, trong kinh doanh, cũng như các thành phần kinh tế khác, Nhà nước cũng phải chấp nhận có lúc được, lúc thua, có doanh nghiệp bán vốn có lãi, có doanh nghiệp hòa thì cũng phải có doanh nghiệp lỗ.

Ngược lại, nếu thấy, trong tương lai, trị giá cổ phần nhà nước ở doanh nghiệp nào đó có khả năng tăng, thì có thể đầu tư lâu dài hơn, chứ chưa nhất thiết phải bán ngay. Thoái vốn phải thực hiện theo lộ trình, rất cụ thể đối với từng doanh nghiệp, chứ không phải bán tống bán tháo hoặc cứ duy ý trí trong việc bảo toàn vốn nhà nước.

Với nguyên tắc này, Nhà nước sẽ thoái vốn trong hàng loạt doanh nghiệp?

Chắc chắn là như vậy! Hiện cả nước còn khoảng 840 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Theo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn sẽ giảm xuống, trong đó có cả lĩnh vực mà trước đây dứt khoát phải “độc quyền nhà nước” như cảng biển loại 1 chẳng hạn cũng được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối. Sau năm 2015, Nhà nước có thể không còn giữ cổ phần chi phối, thậm chí không giữ cổ phần nữa.

Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã cho phép doanh nghiệp thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường tại ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối. Thoái vốn nhà nước cứ theo nguyên tắc này và thực hiện linh hoạt, uyển chuyển đúng như Bác Hồ đã dạy “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà làm thì không lo không bán được.

Tin liên quan
Tin khác