Tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. |
Vi phạm của UAV ngày càng diễn biến phức tạp
Sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 5 tới, Dự thảo Luật Phòng không nhân dân (Dự thảo) tập trung vào 5 chính sách, trong đó có quy định quản lý UAV.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật), việc quản lý UAV dưới góc độ của hàng không dân dụng và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh như hiện nay còn bỏ ngỏ các vấn đề về bảo đảm quốc phòng, an ninh hàng không. Đồng thời, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn phát triển và ứng dụng rộng rãi các thiết bị không người lái và phương tiện siêu nhẹ rất khó xử lý ở tầm nghị định và văn bản của Bộ Quốc phòng do có những quy định liên quan tới quyền con người, quyền công dân phải điều chỉnh ở tầm luật để phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất, đồng bộ với Luật Đầu tư.
Tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như khí tượng, nông nghiệp, giải trí, phim ảnh, thử nghiệm giao hàng trong phạm vi gần… Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng nhìn nhận, những thiết bị bay này cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không.
Đặc biệt, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ dễ bị các lực lượng phản động, chống đối, thế lực thù địch sử dụng làm công cụ thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại, ghi hình, chụp ảnh, thả chất nổ, chất cháy, chất độc để phục vụ mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, gây hậu quả khó lường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với đời sống xã hội.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, trên thế giới, đã có nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ mang vũ khí, nhằm tiêu diệt các mục tiêu quân sự, ám sát, tấn công vào các mục tiêu quan trọng của quốc gia, vùng lãnh thổ thù địch.
Tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng nêu, vài năm gần đây, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sử dụng UAV trái phép, như bay không có phép, bay vào khu vực cấm bay, hay đối tượng chống đối sử dụng tàu bay không người lái ghi hình hoạt động biểu tình, phát tán trên mạng xã hội để kích động các hoạt động chống phá... Một số đơn vị quân đội cũng phát hiện tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ xâm phạm khu vực quân sự.
Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng, các vụ vi phạm trong sử dụng UAV gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm.
Do vậy, xây dựng Luật Phòng không nhân dân đặt ra yêu cầu tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về UAV. Giải pháp được lựa chọn là quy định tại Luật Phòng không nhân dân về quản lý UAV, gồm các nội dung: quyền khai thác, sử dụng, quyền đầu tư kinh doanh đối với các loại phương tiện này.
“Bên cạnh tác động tích cực như thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng các phương tiện này vào đời sống xã hội, giải pháp này sẽ làm phát sinh chi phí bảo đảm cho đối tượng tham gia quản lý UAV”, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định điều kiện với người điều khiển UAV phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để phù hợp với thực tiễn. Bởi vì, các phương tiện bay không người lái đang được sử dụng rộng rãi nhằm phục vụ các mục đích khác trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thông tin truyền thông, điện ảnh, giải trí...
Để bảo đảm gắn kết hài hòa lợi ích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, nên quy định theo hướng tùy từng loại thiết bị, phương tiện bay để quy định về độ tuổi sử dụng cho phù hợp.
Cơ quan nào cấp phép kinh doanh?
Thảo luận tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định liên quan đến UAV.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Trần Hồng Nguyên cho hay, Dự thảo bổ sung kinh doanh UAV vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện phải được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý vào Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần xem xét quy định hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa bảo dưỡng, thử nghiệm UAV là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép hoạt động. Vì các ngành nghề này không thực sự tác động trực tiếp lên các lợi ích công cộng như nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại các điều kiện kinh doanh với hoạt động sản xuất, kinh doanh UAV, có thể cân nhắc bỏ các quy định này.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định điều kiện với kinh doanh UAV tại Dự thảo. Trường hợp không quy định trong Dự thảo thì giao Chính phủ quy định cụ thể để có cơ sở thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương giải thích, đưa kinh doanh máy bay không người lái là kinh doanh có điều kiện để cấp phép, kể cả kinh doanh từng linh kiện một cũng phải đăng ký, vì chỉ cần nhập khẩu từng linh kiện một thì sẽ lắp ráp được một máy bay không người lái. “Máy bay không người lái nếu không quản lý được, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, không phải chỉ trong thời chiến, mà ngay trong thời bình này”, ông Cương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, về cấp phép kinh doanh, cấp phép xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Còn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ cấp phép máy bay hoạt động theo lĩnh vực của Bộ phụ trách. Cụ thể, khoản 4, Điều 28, Dự thảo quy định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp phép cho các cơ quan thuộc quyền quản lý.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy định này chưa rõ và không phù hợp, cần được chỉnh lý cho đúng với pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, quy định hiện hành đã giao nhiệm vụ cho phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kinh doanh UAV cũng chỉ là một ngành nghề. “Do vậy, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép cũng chưa phù hợp và bảo đảm bảo tính thống nhất chung. Bởi hiện có 234 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phòng đăng ký kinh doanh đều làm được”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.
Ồng Đông đề xuất quy định tại Dự thảo: “Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động”.
Ông Nguyễn Tân Cương băn khoăn, kinh doanh UAV là kinh doanh vũ khí, thì liệu cấp tỉnh có đảm nhận được việc cấp phép hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, giao phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thực hiện cấp phép thì chỉ là ghi nhận đơn giản về lĩnh vực kinh doanh của một doanh nghiệp thông thường, chứ không phải là giấy phép kinh doanh.
“Dự thảo phải bổ sung các điều khoản quy định về điều kiện cụ thể với ngành nghề kinh doanh tàu bay không người lái, giao cơ quan nào cấp phép và chắc không phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì liên quan đến vấn đề quản lý một ngành nhạy cảm và quan trọng”, ông Mạnh nói.