Kiến nghị góp ý cho Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp từ ý kiến doanh nghiệp thông qua hình thức công văn, trao đổi và hội thảo, VCCI làm rõ nguồn gốc các ý kiến trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính.
Dòng xe hybrid - ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện có hai hình thức, một là có hệ thống sạc điện riêng, và hai là không có hệ thống sạc điện riêng |
Xem lại thuế suất đối với xe ô tô hybrid
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, VCCI kiến nghị liên quan đến thuế suất đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (dòng xe hybrid).
Dự thảo hiện đã có quy định thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện nhưng yêu cầu phải có nạp điện bằng hệ thống sạc riêng (bằng 70% xe xăng tương ứng). Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dòng xe hybrid – ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện có hai hình thức (1) có hệ thống sạc điện riêng, và (2) không có hệ thống sạc điện riêng.
Quy định như dự thảo hiện mới chỉ đề cập đến loại thứ nhất – có hệ thống sạc điện riêng. Điều này được hiểu rằng các xe hybrid loại thứ hai - không có hệ thống sạc điện riêng sẽ chịu thuế suất bằng với xe chạy xăng tương ứng.
VCCI cho rằng, quy định như Dự thảo chưa thực sự hợp lý vì xe ô tô hybrid không có hệ thống sạc điện riêng vẫn có tác dụng giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch và là bước chuyển tiếp sang xe chạy thuần điện, trong quá trình trạm và công nghệ sạc điện chưa đủ thuận tiện cho người tiêu dùng.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm chính sách khuyến khích dòng xe hybrid không có hệ thống sạc điện riêng, với thuế suất thấp hơn thuế đối với xe chạy xăng tương ứng”, VCCI gửi Bộ Tài chính.
Chưa rõ khái niệm xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng
Cũng liên quan đến ô tô, các doanh nghiệp, qua VCCI, đề nghị làm rõ khái niệm xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng hoặc bỏ khái niệm này.
Lý do, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành và Dự thảo đều sử dụng khái niệm “xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” là đối tượng chịu thuế. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong thời gian qua, khi áp dụng quy định này phát sinh nhiều vướng mắc bất cập.
Thuật ngữ xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng không tương thích với thuật ngữ được sử dụng trong việc phân loại ô tô được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng. TCVN 7271 phân loại ô tô thành ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng. TCVN 7271 không có khái niệm ô tô vừa chở người, vừa chở hàng. Điều này gây nhiều lúng túng khi áp dụng.
Theo các doanh nghiệp, khái niệm này có thể dẫn chiếu đến quy định về phân loại xe của Bộ Giao thông Vận tải để thuận tiện cho quá trình áp dụng. Hiện nay, trên hồ sơ đăng kiểm của mọi phương tiện đều có ghi thông tin về số người và lượng hàng hoá được phép chở. TCVN 7271 cũng dựa vào tỷ lệ người và hàng này để phân loại xe ô tô (quy đổi một người nặng 65kg).
Cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tương tự, đưa ra các ngưỡng tỷ lệ nhằm phân loại các mức thuế, bảo đảm minh bạch, thuận tiện áp dụng cho tất cả các trường hợp, kể cả xe mới lẫn xe nâng cấp cải tạo.
Xăng, điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ
Cũng trong văn bản gửi Bộ Tài chính, VCCI đề nghị loại xăng ra khỏi danh mục các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, VCCI phân tích, xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng, đó là thuế tiêu thục đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
“Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này”, VCCI kiến nghị.
Còn mặt hàng điều hoà nhiệt độ, đang được coi là mặt hàng xa xỉ, đã phải chịu thuế tiêu thục đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Thậm chị, giải trình lý do đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ, VCCI nhắc tới các nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay...