Điều kiện để làm gì?
Những cải thiện về điều kiện kinh doanh không hề nhỏ. Mẫu số này đều nhìn thấy được từ kết quả của Báo cáo Nghiên cứu về điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện (dự kiến công bố vào ngày 15/6 tới), cũng như nội dung Cuộc rà soát điều kiện kinh doanh của một số lĩnh vực do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
Cải thiện dễ thấy nhất có lẽ là việc hoàn tất cơ sở pháp lý cho hệ thống điều kiện kinh doanh cũng như công bố danh sách 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều kiện kinh doanh không còn là công cụ để quản lý nhà nước, mà là rào cản. |
Thậm chí, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert nhận định, nếu như trước đây, doanh nghiệp làm gì cũng phải xin phép, thì nay đã đỡ hơn nhiều.
“Tuy nhiên, câu hỏi của tôi là có thể mở thêm nữa không, có cách nào quản lý hợp lý hơn không”, ông Dũng nói.
Thành lập 10 năm trước, có những ngành nghề VinaCert đã xin phép làm từ năm 2009, nhưng đến giờ vẫn chưa hoạt động được. Lý do, nhiều điều kiện kinh doanh không thể đáp ứng.
“Chúng tôi hay bị vướng điều kiện về kinh nghiệm của nhân sự. Nếu bắt ngay từ đầu phải có kinh nghiệm mới cho phép làm thì những người mới đi làm không bao giờ có cơ hội. Nếu thực sự cần thì cơ quan quản lý nên đưa lộ trình để doanh nghiệp thực hiện”, ông Dũng chia sẻ.
Những điều kiện kiểu như vậy, như điều kiện về số lượng nhân sự, diện tích phòng ốc, kho chứa, thậm chí là mô hình kinh doanh, theo bà Nguyễn Thị Hồng (Ban Pháp chế, đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI) là vô cùng nhiều.
Bà Hồng lấy ví dụ về yêu cầu đáp ứng số lượng bình, kho chứa với kinh doanh khí gas. Cơ quan lý giải, tính bình quân, vòng quay bình gas của một doanh nghiệp cung cấp là 4 tháng, tức là một năm 3 vòng. Để đủ gas quay vòng, doanh nghiệp cần kho chứa đủ 300 m3 cho 100.000 chai trong 15 ngày.
“Hóa ra, yêu cầu về quy mô không hướng đến đảm bảo an toàn, trật tự công (như Điều 7, Luật Luật Đầu tư), mà hướng đến việc doanh nghiệp phải đảm bảo đủ gas để bán. Nhưng tính toán trên chỉ hợp lý khi thị trường chỉ có một nguồn cung. Vậy nếu có nhiều nguồn cung thì sao?”, bà Hồng phân tích. Đó là chưa kể sự khác biệt về nhu cầu thị trường đô thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tin mừng là nhiều quy định dạng này đã không còn trong dự thảo mới nhất về kinh doanh gas, nhưng theo một doanh nghiệp chuyên kinh doanh gas (xin giấu tên), vẫn còn một số điều kiện không hợp lý.
“Chúng tôi hỏi rất nhiều, như tại sao doanh nghiệp cần bình gas, cần kho, trong khi chúng tôi có thể thuê? Công nhân vận chuyển gas phải có chứng chỉ học về nghiệp vụ kinh doanh gas để làm gì? Có phải các quy định này để các doanh nghiệp lớn luôn đủ điều kiện, còn các doanh nghiệp mới tham gia, doanh nghiệp nhỏ bị khó”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Tiêu chí bị lạm dụng
Theo quy định của Luật Đầu tư, việc đưa ra điều kiện kinh doanh hay chỉnh sửa điều kiện kinh doanh được kiểm soát ngay từ ý tưởng.
Các bộ, ngành khi có đề xuất bổ sung, sửa đổi ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đó mới trình Chính phủ phê duyệt đề xuất, rồi trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào danh mục. Các bộ, ngành chỉ bắt đầu xây dựng điều kiện kinh doanh sau khi Quốc hội chấp thuận bổ sung.
Tuy nhiên, con đường với những trạm gác này dường như chưa đủ để minh định khu rừng điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải tuân thủ.
“Tôi không biết nói thế nào khi mỗi ngày đến cơ quan lại nhận được nhiều văn bản đề nghị bổ sung từ các bộ, ngành gửi tới. Các bộ, ngành thường giải trình là phải có điều kiện kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM phân vân.
Thực tế, điều kiện kinh doanh chỉ là một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp khi bắt đầu tiến hành kinh doanh. Suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp buộc phải thực hiện nhiều nghĩa vụ khác, như nghĩa vụ báo cáo, thông báo, công bố chất lượng, công bố sự phù hợp, ghi nhãn, tuân thủ các yêu cầu thanh tra, kiểm tra, cũng như các yêu cầu của người tiêu dùng, khách hàng, thị trường…
“Các bộ, ngành dường như vẫn thích quản lý ngay từ đầu hơn, nên điều kiện kinh doanh hay được lựa chọn. Thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa quy chuẩn, tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh”, ông Hiếu nhận xét.
Ở đây có vấn đề về tư duy của các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn phương thức quản lý. Điều đáng nói là, đang có sự lạm dụng về tiêu chí điều kiện kinh doanh, khi mà nhiều bản giải trình cho rằng, hoạt động kinh doanh đó có nguy cơ gây rủi ro
cho xã hội, cho người tiêu dùng, nếu Nhà nước không can thiệp bằng điều kiện kinh doanh.
“Tôi vẫn không lý giải được tại sao Sở Giao thông - Vật tải lại tổ chức lớp đào tạo lái xe taxi, chứ không phải là doanh nghiệp đào tạo lái xe? Với điều kiện này, mục tiêu quản lý nhà nước là gì? Tại sao lại quy định doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải làm cả vỏ nhựa lẫn mút xốp, mà không để họ quyết định làm gì, mua gì?”, ông Hiếu nêu một số vấn đề sau khi nghiên cứu hiện trạng về điều kiện kinh doanh sau 2 năm Luật Đầu tư được thực hiện.
Với cách tư duy này, điều kiện kinh doanh không còn là công cụ để quản lý nhà nước, mà là rào cản. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, các doanh nghiệp không thể liên kết được với các quy định này.
“Có phải vì vậy mà doanh nghiệp Việt Nam cô đơn hơn không?”, ông Huỳnh chia sẻ quan điểm.