. |
Quan điểm, đột phá và giải pháp là nhất quán
Khi đề cập đến một văn bản nào ở Việt Nam, điều đầu tiên phải đọc, nghiên cứu là quan điểm. Trong suốt quá trình thảo luận Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, chúng tôi cũng luôn phải trả lời các câu hỏi quan điểm là gì, có nhiều quá không, các mục tiêu đặt ra, các nội dung chiến lược có nhất quán với quan điểm không? Trả lời được các câu hỏi này, tính nhất quán, xuyên suốt của chiến lược mới đạt được và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Trong 5 nhóm quan điểm phát triển, tôi muốn nhất mạnh đến nhóm quan điểm thứ hai, liên quan đến cải cách thể chế, có thể tóm tắt trong 5 ý sau.
Một là, lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Hai là, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai.
Ba là, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.
Bốn là, phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương.
Năm là, phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Quan điểm này thể hiện rõ trong lựa chọn đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá số 1. Đột phá này nhấn mạnh vào thể chế phân bố nguồn lực làm thay đổi cách thức phân bố nguồn lực và nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia .
Các trọng tâm đột phá là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường.
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội.
Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
So với nội dung của đột phá về thể chế của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, khi đó trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, thì đây là những điểm khác căn bản.
Rõ ràng, khi xác định rõ cải cách, chứ không phải là hoàn thiện chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng… là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước, thì dù đột phá có tên cũ, nhưng các nội dung định hướng, giải pháp đã thay đổi theo hướng tháo gỡ các rào cản để đưa kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường.
Thực hiện sẽ là thách thức lớn
Có thể thấy, trong các dự thảo văn kiện, khung tiếp cận rõ hơn về cải cách thể chế, nhấn mạnh các trọng tâm phù hợp hơn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi số.
Nhưng điều này cũng cho thấy việc thực hiện sẽ là thách thức lớn, chắc chắn cực kỳ khó. Lý do là với những quan điểm, đột phá thể chế như trên, cần từ duy rõ ràng, dứt khoát về cải cách, để hoàn thành quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Công việc xây dựng pháp luật là cực kỳ lớn vì nội dung có thể thay đổi căn bản, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước
Với trọng tâm là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường, quyền tự do kinh doanh sẽ được mở rộng, bảo đảm theo hướn tháo bỏ rào cản đối với đầu tư và kinh doanh; khuyến khích, tạo thuận lơi áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, định hướng này sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng hệ thông pháp luật đầy đủ, có chất lượng, khắc phục tình trạng “7 không”, gồm không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý và không hiệu lực.
Việc xây dựng thể chế thực thi, nhất là hệ thống tòa án; tập trung vào đăng ký sở hữu tài sản, giải quyết tranh chấp thương mại... cũng được xác định là trọng tâm. Đây là những vấn đề cốt lõi của cải cách thể chế.
Trong đòi hỏi cải cách như vậy, nếu không có cải cách thực sự về tư duy, không có tư duy mới phù hợp với quan điểm phát triển mới thì sức ý sẽ rất lớn. Khi sức ỳ lớn, các quyết định không dứt khoát sẽ tạo nên hệ quả là công việc sẽ trở nên vô cùng nặng nề, khiến mọi người ngần ngừ. Khi đó, nhóm lợi ích sẽ nổi lên.