Theo Bộ Công Thương, hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, làm gia lượng hàng tồn kho, lợi nhuận, tác động kìm giá, ép giá… |
Ngày 10 tháng 01 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bên yêu cầu trong vụ việc này gồm 04 nhà sản xuất nhôm thanh định hình (bên yêu cầu) đại diện cho ngành sản xuất trong nước, bao gồm: Công ty CP Nhôm Austdoor; Công ty CP Nhôm Sông Hồng; Công ty TNHH Tung Yang; và Công ty CP Tập đoàn Mienhua. 4 doanh nghiệp này hiện có tỷ trọng sản lượng sản xuất trên tổng sản lượng sản xuất trong nước là 31,54%.
Ngoài 4 doanh nghiệp kể trên là bên yêu cầu, còn 9 nhà sản xuất khác cũng ủng hộ quan điểm điều tra chống bán phá giá trong vụ việc này. 9 doanh nghiệp ủng hộ chiếm tỷ trọng 34,48% trên tổng sản lượng sản xuất trong nước.
Theo đó, hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá bao gồm một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình có các mã HS 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90.
Hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước thể hiện qua việc suy giảm ở các số chỉ số như: công suất sử dụng, lượng hàng tồn kho, lợi nhuận, tác động kìm giá, ép giá…
Bên yêu cầu đề nghị điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra ở mức 35,58%.
Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá từ 1/1/2018 đến 31/12/2018. Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong 4 năm, từ 1/1/2015 đến 31/12/2018.