Doanh thu tăng trưởng khả quan
Theo kết quả kinh doanh quý III/2018 của Digiworld, trong khi hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng tốt, thì kinh doanh hàng tiêu dùng lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 3 quý vừa qua, doanh thu của Digiworld đạt 4.383 tỷ đồng, tăng gần 63%; lợi nhuận sau thuế đạt 78,3 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính đến cuối quý III/2018, Công ty đã hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Riêng quý III, tổng doanh thu của Digiworld đạt 1.742 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu ngành hàng, máy tính xách tay và máy tính bảng đạt doanh thu 1.766 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 77% kế hoạch năm. Ngành hàng điện thoại di động đạt doanh thu 1.768 tỷ đồng, tăng 293% so với cùng kỳ, vượt sớm kế hoạch năm là 1.200 tỷ đồng từ quý II/2018. Ngành hàng thiết bị văn phòng tăng trưởng đều qua các quý. Tính đến cuối quý III/2018, doanh thu ngành này đạt 797 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 80% kế hoạch năm.
Trong quý III/2018, Digiworld đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn HMD Global để phân phối điện thoại Nokia. Ông Đoàn Hồng Việt, CEO của Digiworld cho biết, Công ty sẽ bán các sản phẩm của Nokia trong quý IV/2018 và việc dự kiến ghi nhận lợi nhuận trọn vẹn từ đầu năm tới.
Vẫn nuôi hy vọng với hàng tiêu dùng
Với ngành hàng tiêu dùng, doanh thu 9 tháng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tính riêng quý III thì bán hàng của nhóm hàng này sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hàng tiêu dùng của Digiworld đạt 51 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng quý III, doanh thu chỉ đạt 10 tỷ đồng, giảm 54,5% so với cùng kỳ.
Tuy doanh thu quý III giảm, nhưng Digiworld không nản chí, vì lợi nhuận từ mảng này vẫn có đóng góp quan trọng làm gia tăng tỷ suất lợi nhuận cho Công ty. Ngoài ra, Digiworld cho rằng, đây là một lĩnh vực tiềm năng, bởi theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu thị trường Roland Berger, giá trị thị trường ngành hàng này vẫn khá lớn, với khoảng 20 tỷ USD.
Do đó, Digiworld vẫn đánh giá cao tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng và quyết tâm đầu tư, tái cấu trúc danh mục sản phẩm, chính sách bán hàng, kênh phân phối.
Gia tăng quay vòng vốn
Ngoài các con số cơ bản như trên, một trong những đặc điểm kinh doanh quý III/2018 của Digiworld là sự gia tăng đáng kể về tốc độ quay vòng vốn ngắn hạn. Trong quý III, công ty này đã bỏ ra hơn 2.200 tỷ đồng trả tiền nợ vay ngắn hạn, nhưng cũng đi vay thêm số tiền tương tự. Quy mô của 2 khoản này đều cao gấp đôi so với quý trước đó.
Nợ phải trả hiện ở mức 927 tỷ đồng - một con số nợ khá lành mạnh so với tổng tài sản 1.661 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản đang có sự dịch chuyển khi hàng tồn kho giảm, các khoản phải thu có xu hướng gia tăng. Cụ thể, hàng tồn kho giảm từ 883 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm xuống còn 668 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Việc giảm hàng tồn kho cho thấy, Công ty tiết giảm được chi phí vốn cho việc tích lũy hàng, nhưng trong thời điểm lưu lượng bán hàng gia tăng mạnh thì doanh nghiệp sẽ có thể không đủ hàng cung cấp cho khách.
Trong khi đó, Công ty lại đang bị chôn vốn trong các khoản phải thu khi chỉ tiêu này tăng từ 482 tỷ đồng hồi đầu năm, lên mức 761 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2018. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 373 tỷ đồng lên 616 tỷ đồng, còn các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng từ 89 tỷ đồng lên 122 tỷ đồng. Các con số chuyển dịch này cho thấy, Công ty đang có xu hướng bị đối tác chiếm dụng vốn nhiều hơn trong các giao dịch cả đầu ra lẫn đầu vào.