Cỗ xe lầm lũi
Từ năm 2017, Digiworld đã có một số động thái thăm dò ngành chăm sóc sức khỏe (Healthcare) và tiêu dùng nhanh (FMCG). Đây là một sân chơi rất mới mẻ vì thế mạnh của công ty này trước đây chủ yếu ở mảng phân phối các sản phẩm công nghệ. Cách thức mà đại gia này tiến vào mảnh đất mới tuy không rùm beng, nhưng cũng khiến các đối thủ không thể xem thường. Các động thái mở rộng thị trường của doanh nghiệp diễn ra chậm rãi, nhưng đều ẩn chứa những toan tính rất kỹ lưỡng.
Đại gia ngành phân phối tiếp tục nuôi tham vọng lớn trong mảng kinh doanh hàng tiêu dùng bổ trợ sức khỏe |
Động thái đáng chú ý đầu tiên diễn ra cách đây chừng 1 năm là việc trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm Kingsmen - giải pháp sinh lý nam cho đàn ông tuổi 40. Chỉ với danh nghĩa nhà phân phối, nhưng thực tế, Digiworld tham gia khá sâu từ các bước đầu tiên gồm nghiên cứu thị trường, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, cho đến việc tham mưu các chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho biết, các công ty dược lớn đều là đơn vị sản xuất và tự phân phối sản phẩm. Trong khi đó, các công ty nhỏ chỉ phân phối ở phạm vi thị trường nhỏ, không đủ sức để triển khai toàn quốc. Đây chính là thị trường của Digiworld, bởi thị trường này đang cần một nhà trung gian, một kênh phân phối đủ rộng và đủ năng lực xây dựng thương hiệu để doanh nghiệp nhỏ được nhiều người biết đến và tăng trưởng tốt hơn.
Bước tiếp theo của Digiworld trong lãnh địa mới là mua lại Công ty TNHH CL vào quý IV/2017, với tỷ lệ chi phối 50,3%, thông qua công ty con Digiworld Venture. CL là doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm FMCG trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản như: kem đánh răng Kodomo, kem tẩy trắng răng Zact Lion, bàn chải đánh răng Systema… Theo đại diện Digiworld, khi về một nhà với CL, Digiworld có thể tận dụng được hệ thống phân phối ngành hàng FMCG có sẵn của công ty này nhằm khai thác các mảng thị trường trong tương lai.
Cuộc chiến ngộp thở
Việc bắt tay với Incontech để phân phối sản phẩm kẹo dẻo PNKids cho thấy đại gia ngành phân phối vẫn tiếp tục nuôi tham vọng lớn trong mảng kinh doanh hàng tiêu dùng bổ trợ sức khỏe, cho dù “cuộc chiến” tại lãnh địa này không hề dễ dàng. Kết quả kinh doanh cho thấy, đóng góp của mảng kinh doanh mới này chưa đạt được những kỳ vọng như mong đợi.
Sáu tháng đầu năm, doanh thu từ hàng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Digiworld, chỉ với 1%. Đặc biệt, doanh thu từ mảng này đã sụt giảm từ mức 22 tỷ đồng trong quý I/2018, xuống chỉ còn 17 tỷ đồng trong quý II/2018. Tính chung cả 2 quý đầu năm 2018, thì doanh thu từ hàng tiêu dùng đạt 39 tỷ đồng, bằng 19,5% so với kế hoạch năm 2018 và cũng là mặt hàng đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp nhất trong các nhóm hàng của Digiworld.
Các con số trên cho thấy, mặc dù đã có những chiến dịch khá bài bản, nhưng với vị thế vẫn chỉ là một tân binh, Digiworld chưa thể tạo ra được một điều thần kỳ trong mảng kinh doanh mới. Tuy nhiên, cái bắt tay của Digiworld với Incontech cho thấy doanh nghiệp này không dễ gì bỏ cuộc tại trận địa trên. Hơn nữa, Công ty vẫn cho thấy mình là đối tác có những nền tảng nội lực mạnh, có sức hấp dẫn với những thương hiệu nước ngoài muốn tìm kiếm chỗ đứng tốt tại thị trường Việt Nam.
Ông Cachino, Giám đốc điều hành kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Incontech cho biết, kẹo dẻo PNKids đứng số 1 tại thị trường Singapore và đang muốn trở thành số 1 tại Việt Nam. “Để làm được việc này, chúng tôi cần đối tác phải am hiểu thị trường, có công cụ quản lý hiệu quả. Chúng tôi kỳ vọng năng lực cốt lõi của Digiworld sẽ giúp PNKids mở rộng kênh phân phối”, ông Cachino nói.
Doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 của Digiworld đạt 2.637 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế 2 quý đầu năm đạt 42,5 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.
Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn doanh thu là Công ty phải tập trung một phần nguồn lực phát triển mạng lưới để triển khai mảng kinh doanh hàng tiêu dùng. Theo đó, trong quý II/2018, chi phí bán hàng tăng 22% và chi phí quản lý tăng 90% so với cùng kỳ.