Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần 3.825 tỷ đồng và lãi gộp 273,9 tỷ đồng; tăng lần lượt 5,5% và 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay tăng 33% lên 8,4 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết xấp xỉ 1.6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 1,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt gần 21% và 52% so với cùng kỳ.
Công ty báo lãi ròng quý này 107,2 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 43% so với cùng kỳ.
Nếu tính theo từng ngành hàng, máy tính xách tay và máy tính bảng mang về phần lớn doanh thu trong quý này cho Digiworld, với 1.854 tỷ đồng.
Đây là nhóm hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ cao với xu hướng “học tập và làm việc tại nhà” khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Trong khi đó, ngành hàng điện thoại di động chỉ mang về 1.381 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và ngành hàng thiết bị văn phòng đóng góp 467 tỷ đồng doanh thu.
Bảng: Kết quả kinh doanh luỹ kế 9 tháng đầu năm nay của Digiworld so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: tỷ đồng)
STT |
Chỉ tiêu |
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021 |
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020 |
1 |
Doanh thu thuần |
13.049 |
8.518 |
2 |
Lợi nhuận gộp |
898,1 |
548,2 |
3 |
Lợi nhuận thuần |
416,8 |
126 |
4 |
Lợi nhuận trước thuế |
415,9 |
217,8 |
5 |
Lợi nhuận sau thuế |
330,7 |
168 |
Cho kỳ kế toán 9 tháng kết thúc ngày 30/9/2021 của Digiworld, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 716,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 303,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh nghiệp này đã trả nợ gốc vay là 2.795 tỷ đồng, đồng thời vay thêm 3.232 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Digiworld ở mức 3.760 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 682 tỷ đồng lên 3.544 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận khoản phải thu tăng 877 tỷ đồng, lên hơn 2.000 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 13% lên 934,9 tỷ đồng (trong đó, hàng hoá là 830,6 tỷ đồng, tăng gần 60%).
Giá trị thuần khoản phải thu ngắn hạn ở mức 1.840 tỷ đồng (tăng 751 tỷ đồng). Trong đó, khoản phải thu lớn nhất với Công ty cổ phần Thế giới di động cùng chi nhánh là 609,2 tỷ đồng, theo sau là 246,1 tỷ đồng với Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT).
Nợ phải trả đến cuối kỳ của công ty ở mức 2.303 tỷ đồng, tăng 20,5% so với đầu năm nay. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 2.298 tỷ đồng (bao gồm 1.067 tỷ đồng vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn; tăng 69%).
Trong kỳ, công ty đã tăng khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên kết lên 65 tỷ đồng (từ mức 59.2 tỷ đồng hồi đầu năm) khi ghi nhận thêm khoản đầu tư 8,2 tỷ đồng để nắm 36,01% vốn Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Tín bên cạnh 2 khoản đầu tư cũ tại Công ty cổ phần Tập đoàn B2X Việt Nam (sở hữu 49,1%) và Công ty cổ phần Việt Money Holding (nắm 21,86%).