Y tế - Sức khỏe
Đình chỉ cơ sở kinh doanh khiến hơn 90 người ngộ độc thực phẩm
D.Ngân - 13/09/2023 19:56
Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sau vụ ngộ độc thực phẩm tại Quảng Nam.

Trước thông tin về việc nhiều người dân có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, sốt nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì thương hiệu Bánh mì Phượng (đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) và phải nhập viện điều trị, ngày 13/9, Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, để xử lý vụ việc và chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân.

Tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở;

Đồng thời truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc theo quy định.

Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Ngoài ra, Cục an toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Quảng Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn. Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế theo quy định.

Ttrước đó, sáng 11/9 một số người dân và du khách có ăn bánh mì mua tại Hộ kinh doanh Bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, thành phố Hội An).

Đến 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Sau đó các bệnh nhân đã đến Trung tâm y tế Hội An, Bệnh viện Đa Khoa Thái Bình Dương, phòng khám Khang Cường (Hội An); Bệnh viện Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) để nhập viện, điều trị.

Nhận được thông tin, Trung tâm Y tế thành phố Hội An đã thành lập đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm để nắm thông tin ban đầu, đồng thời tích cực khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc.

Thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc: bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo).

Hiện, trong thời gian chờ kết quả, cơ quan chức năng đã yêu cầu Hộ kinh doanh bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động.

Theo thông tin mới nhất, tính đến 16h30 ngày 13/9, tổng số trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã lên 91 người, trong đó có 23 khách nước ngoài.

Một số bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc nhẹ, sau khi thăm khám đã cho ra viện. Một số khác đang được tích cực theo dõi, giám sát tại các bệnh viện để có phương án điều trị kịp thời.

Theo Bộ Y tế, trong 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong. Những số liệu này một lần nữa cảnh báo về mối nguy của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe và tính mạng con người.

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, các chuyên gia lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống  nước đã được đun sôi.

Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum).

Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.

Các loại thực phẩm cần phải nấu chín. Thực phẩm chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn nếu muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ, sau đó cần bảo quản trong tủ lạnh. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.

Tin liên quan
Tin khác