Chưa nói đến mục đích của người lập ra những tài khoản ảo như vậy để làm gì, nhưng rõ ràng sẽ có nguy cơ cao xảy ra rủi ro về thông tin. Nội dung này đã được làm rõ trong chương trình Đối thoại số của truyền hình Quốc hội Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Việc có rất nhiều tài khoản ảo trên không gian mạng đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc truy vết các đối tượng có hanh vi lừa đảo, đặc biệt là thời gian gần đây các vụ việc như vậy đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng. Do đó việc định danh cá nhân cho các tài khoản trên mạng xã hội đang là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Việc xác thực tài khoản còn giúp cho người dùng có trách nhiệm khi cung cấp các thông tin lên mạng xã hội, từ đó giảm thiểu được tình trạng phát ngôn bừa bãi, đăng tin xấu độc, sai sự thật.
Hiện nay các trang mạng xã hội thường định danh tài khoản thông qua các thông tin cá nhân gồm số điện thoại, email và căn cước công dân. Tại Nga và Mỹ số điện thoại được sử dụng cho việc định danh này, thậm chí bên Trung Quốc còn xác thực người dùng bằng AI.
Theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong dự thảo nghị định thay thế cho nghị định số 72/2013/NĐ-CP và nghị định số 27/2018/NĐ-CP thì các mạng xã hội phải định danh người dùng, xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại di động. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, ngoài số điện thoại thì còn có thể cung cấp nhiều thông tin cá nhân khác để tăng tính định danh, tuy nhiên khi đó sẽ đặt ra vấn đề bảo mật thông tin của người dùng. Khi việc định danh được triển khai thì cũng cần có thời gian để người sử dụng có thể “thẩm thấu” và thích ứng dần, cũng như các bên liên quan có sự phối hợp nhất định. Sau thời gian “thẩm thấu” này thì các cơ quan quản lí có thể áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn như việc bắt buộc phải định danh các tài khoản và có cưỡng chế đóng hoặc xóa các tài khoản không đạt yêu cầu. Như vậy trên mạng xã hội chúng ta sẽ có một môi trường lành mạnh hơn.
Hiện nay đa phần các nền tảng mạng xã hội đều thuộc quyền sở hữu của nước ngoài, nếu pháp lí không quy định rõ ràng trách nhiệm và bộ tiêu chuẩn người dùng của các nền tảng tại Việt Nam thì sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết các phát sinh. Trong luật cần phải quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể để việc xác thực tài khoản qua mạng xã hội đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác quản lí nhà nước. Bên cạnh công tác phối hợp thì việc đầu tư cho công nghệ quản lí tài khoản mạng xã hội cũng cần phải được nghiên cữu kĩ lượng.