“Định giá là môn vừa khoa học vừa nghệ thuật, bởi được cấu thành từ nhiều yếu tố. Cũng có nhiều lý do để mua hay đầu tư như mua vì thích, đầu tư để oai, mua để cộng hưởng hay mua để tận diệt,…”, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ (CenGroup) chia sẻ quan điểm về chủ đề Định giá start-up: Giá hay giá trị? tại buổi công bố Hội đồng đầu tư chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 vừa được tổ chức sáng nay, tại TP.HCM.
Nếu đầu tư vào start-up ở những giai đoạn đầu, một số nhà đầu tư lựa chọn “con tim” để ra quyết định, nghĩa là dựa trên cảm xúc. Còn tại các vòng gọi vốn triệu USD, họ để các chỉ số kinh doanh “cất tiếng nói”.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan đưa ra giả thuyết, nếu đầu tư vào một doanh nghiệp được định giá 100 triệu USD nhưng sau đó kinh doanh thất bại, thì việc định giá hay giá trị của công ty này trước đó sẽ là vô nghĩa. Và vô nghĩa sẽ trở thành ý nghĩa nếu một doanh nghiệp, dù được định giá 10 triệu USD tại thời điểm này, nhưng sau khi nhận vốn cùng vài năm phát triển, họ được đề nghị bán lại hoặc thêm các hợp tác rót vốn chuẩn bị cho quá trình tăng trưởng kế tiếp.
Đại diện này cho rằng, giá trị mỗi công ty không chỉ nằm ở con số lợi nhuận mà sẽ có ở nhiều góc nhìn khác nhau, tuỳ ngành nghề. Và một số start-up thất bại không phải vì không gọi được vốn, mà do không thể tiếp tục gọi thêm vốn ở các vòng kế tiếp.
“Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và dường như giá cả có vẻ hơi tăng so với mức bình thường. Tôi vừa quyết định đầu tư vào một công ty thì hôm sau họ có một đối tác nước ngoài khác đưa ra mức giá đề nghị gấp 1,5 lần”, ông Nguyễn Mạnh Dũng đưa ra ví dụ CyberAgent vừa gặp phải và thể hiện quan điểm, start-up nên chọn nhà đầu tư có thể đi cùng, hỗ trợ trong giai đoạn dài cũng như những lúc khó khăn, thay vì chỉ tập trung vào số tiền được rót vốn ở thời điểm hiện tại.
Đây cũng là ví dụ của mối quan hệ cung-cầu. Khi có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường và đưa ra vô số đề nghị hợp tác, có thể, start-up sẽ bán lượng cổ phần của mình với mức giá cao hơn. Nhưng điều quan trọng hơn trong chặng đường dài phát triển, ví như một cô gái có rất nhiều chàng trai theo đuổi và chọn một để cưới thì theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, cô gái nên cân nhắc, ai có thể tạo ra giá trị, luôn chung lưng đấu cật và giúp mình phát triển hơn.
Ý tưởng dự án cũng không chiếm nhiều phép tính trong bài toán định giá của các nhà đầu tư. Bởi với ông Mạnh Dũng, các nhà sáng lập hiện thời không nhất thiết phải nghĩ đến việc tạo ra một ý tưởng chưa từng có trên thế giới như sáng tạo ra bánh xe hình vuông thay vì tròn vo như hiện tại. Giá trị của mỗi bánh xe là khả năng phù hợp với từng địa hình, khu vực thời tiết,…
Ông Phạm Thanh Hưng đồng quan điểm trên và cho biết, hàng năm, vài chục triệu ý tưởng được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ nhưng đưa vào thực tế hoặc thương mại hoá sản phẩm thì chưa đến 1% trong số đó.
Khi rót vốn, các nhà đầu tư không phải dựa vào ý tưởng mà là con người, đội ngũ thực thi. “Định giá là bài toán phức hợp. Các phép tính cũng chỉ là tham số. Quan trọng là người thủ lĩnh có tầm nhìn, vì tôi rót vốn hay mua doanh nghiệp nhiều khi vì tầm nhìn và đội ngũ của bạn”, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐTV Tổ hợp y tế Phương Đông nói.