Nguyễn Hữu Tuất, CEO Fastgo. |
Nguyễn Hữu Tuất, CEO Fastgo:
Dòng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài đổ về khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tăng, theo thống kê năm 2018 Việt Nam ghi nhận 128 triệu USD vốn đầu tư. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với số tiền đầu tư thực chất vào, bởi các Start-up của Việt Nam nhận vốn đầu tư nước ngoài phần lớn thành lập công ty tại Singapore, nên tiền đầu tư vào các Start-up của Việt Nam nhưng lại ghi nhận đầu tư cho Singapore.
Nguyên nhân là do các quy trình thủ tục từ lúc ký hợp đồng đầu tư đến lúc hoàn thành đầu tư cho một quỹ đầu tư hay công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mất khoảng 6 tháng với các ngành nghề không có điều kiện, với ngành nghề có điều kiện mất khoảng 1 năm. Do vậy gây trở ngại cho các Start-up trong việc chậm trong việc giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, tôi xin đề xuất, Chính phủ nên xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh con chồng chéo.
Trang Đào, CEO Công ty Vaymuon.vn |
Trang Đào, CEO Công ty Vaymuon.vn:
Nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm hiện đang bắt đầu quan tâm tới thị trường Việt Nam nhờ sự tăng trưởng kinh tế vượt trội trong những năm gần đây, cộng với làn sóng khởi nghiệp công nghệ mạnh mẽ. Các tổ chức đầu tư nước ngoài hay thậm chí các quỹ nội địa như VinaCapital (với chương trình VIISA) đang góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp tiềm năng có thể mang lại nhiều thay đổi cho nền kinh tế.
Tầm nhìn của các lãnh đạo khi thông qua Nghị định số 38/2018/NĐ-CP, cũng như đề ra khẩu hiệu “Make in Vietnam” cũng phần nào khẳng định được điều kiện thuận lợi để phát triển các công ty khởi nghiệp, đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn cho việc nhận vốn đầu tư nước ngoài nằm ở khuôn khổ pháp lý còn nhiều bất cập (hoặc luật chưa ra kịp với tình hình thực tế) ở một số ngành nghề, dẫn đến việc không có thông tin minh bạch và quy trình làm việc chưa thông suốt, khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy e dè.
Điển hình là với mảng cho vay ngang hàng mà Vay Mượn đang hoạt động — hiện nay chúng ta chưa có một khung pháp lý nào cho ngành nghề này do đây là một ngành mới. Do đó, các doanh nghiệp cho vay ngang hàng ở Việt Nam không có giấy phép kinh doanh đặc thù; điều này gây cản trở rất lớn tới việc tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài vì họ chú trọng tới sự bền vững cũng như tính hợp pháp của doanh nghiệp.
Đối với Vay Mượn, chúng tôi hiện đang tiếp xúc một vài quỹ đầu tư lớn trong khu vực, và cũng được hỏi về các giấy phép cần có của một doanh nghiệp cho vay ngang hàng. Nhưng chúng tôi không gặp phải quá nhiều khó khăn do Vay Mượn là doanh nghiệp duy nhất tính tới thời điểm hiện tại hoạt động theo đúng mô hình P2P lending vinh dự được đoàn thanh tra liên ngành của Ngân hàng nhà nước xuống kiểm tra và làm việc nhằm nghiên cứu thí điểm mô hình cũng như xây dựng hệ thống pháp lý cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Song nếu có chính sách từ Chính phủ dẫn dắt thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi và các start-up Việt phát triển.
Nghiêm Xuân Huy, Founder&CEO Công ty Finhay |
Nghiêm Xuân Huy, Founder&CEO Công ty Finhay:
Hiện tại, việc nhận vốn nước ngoài đang rất phổ biến cho các start-up tại Việt Nam, ví dụ như: Finhay nhận vốn từ Insignia Venture Partners tại Singapore, Zeroth AI tại Hongkong, H2 Ventures tại Úc; Logivan nhận vốn từ Insignia Venture Partners tại Singapore; MoMo nhận từ Warburg Pincus, Goldman Sach và Standard Charter; Moca từ Access Ventures tại Hongkong; Uiza và Telio nhận vốn từ Sequoia Ấn Độ….
Điều này cho thấy, nguồn vốn từ nước ngoài rất dồi dào, đồng thời, thị trường start-up Việt Nam đang chứng minh được cho các nhà đầu tư nước ngoài rằng thị trường phát triển cả vĩ mỗ và vi mô, chính sách ủng hộ start-up, tài năng công nghệ nhiều dẫn đến thu hút sự quan tâm cũng như “thằng tay” rót vốn từ nước ngoài vào các start-up Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số quỹ việc đầu tư vào thị trường mới như Việt Nam đối với họ cũng khá dè chừng về thủ tục pháp lý....
Tôi kiến nghị cần đẩy mạnh áp dụng việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện tại quy trình để được ưu đãi thuế đang rườm rà, chưa kể, chưa có thông tư dẫn đến một số bộ ban ngành chưa có cơ sở để thực thi. Ngoài ra, cần có cơ chế cho phép thử nghiệm “sandbox”, đặc biệt cho fintech. Hiện tại, khung pháp lý còn thiếu nhiều cho start-up, nên việc tạo dựng sandbox sẽ thúc đẩy được ý tưởng mới ra thị trường….
Lê Xuân Anh, CEO Công ty 689Cloud |
Lê Xuân Anh, CEO Công ty 689Cloud:
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, hầu hết đều mong muốn vươn ra thị trường quốc tế và nhận được vốn từ nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy mở rộng thị trường. Do đó, nhu cầu về nhân các nguồn vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài ngày một cần thiết và tăng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại về thủ tục pháp lý, chuẩn hóa quy trình, luật bảo hộ cho nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng.
Chính vì vậy, các Start-up Việt bị bỏ lỡ nhiều cơ hội, cách họ các giải quyết phổ biến nhất vẫn là thành lập công ty tại Singapore để nhận vốn từ nước ngoài. Doanh Nghiệp của chúng tôi cũng tương tự vậy, chúng tôi phải thành lập công ty tại Singapore để đẩy nhanh tiến độ làm việc với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.
Do đó, tôi kiến nghị: Các tài liệu về Luật cần chuẩn hóa, quốc tế hóa để các cá nhân, quỹ đầu tư nước ngoài dễ tìm hiểu và tìm kiếm hơn. Đồng thời, tối ưu hóa các quy trình, giải quyết ứng dụng Online để tiết kiệm thời gian.
Nguyễn Huy Hoàng, CEO Alobase |
Nguyễn Huy Hoàng, CEO Alobase:
Việc nhận vốn đầu tư từ nước ngoài của các công ty Việt không hề dễ dàng, dù số lượng các nhà đầu tư đến việt nam tăng lên mỗi năm. Tôi kiến nghị: Đăng ký quy trình thủ tục cho các start-up công nghệ cần phải nhanh chóng, hạn chế giấy tờ mà có thể đăng ký trực tiếp, nhận kết quả online như một số nước khác. Áp dụng chính sách cho các công ty cổ phần start-up được phép nhận cổ phần công ty theo từng giai đoạn thay vì góp vốn toàn bộ trong 90 ngày, nhằm mục đích tăng tính cam kết và trách nhiệm của các cổ đông trong start-up....
Phan Bá Mạnh, CEO Công ty vận tải An Vui |
Phan Bá Mạnh, CEO Công ty vận tải An Vui:
An Vui Là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đồng thời cũng là doanh nghiệp đã nhận được quỹ đầu tư nước ngoài, chúng tôi cho rằng, các thủ tục nhận vốn đầu tư từ quỹ ngoại cho Start-up Việt Nam đang rất phức tạp và tốn thời gian.
Thời gian để xin được giấy phép đầu tư của quỹ ngoại vào Việt Nam tối thiểu hiện nay đang là 45 ngày chưa kể đến các thủ tục vướng trong quá trình làm thủ tục. Riêng với An Vui việc xin được giấy chấp thuận đầu tư nước ngoài lên đến hơn 60 ngày doanh nghiệp phải tốn rất nhiều công sức vào việc xin thủ tục mà lẽ ra sẽ thời gian đó sẽ tập trung cho phát triển kinh doanh.
Với Start-up tốc độ là yếu tố quan trọng quyết định đến việc sống còn của Start-up nhưng với thủ tục nhận vốn như hiện nay chúng tôi cho rằng, đây là một sự lãng phí và làm ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh. Nếu thời gian nhận vốn được rút ngắn sẽ tạo ra cơ hội thị trường cũng như cơ hội sống sót và phát triển cao cho Start-up rất nhiều…