Các cơ sở giáo dục đại học đã mở nhiều ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới |
Ghi danh trong các bảng xếp hạng uy tín
Thời gian qua, liên tiếp các bảng xếp hạng uy tín trong lĩnh vực giáo dục đại học gọi tên các trường top đầu của Việt Nam.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Việt Nam xếp thứ 59 thế giới theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của Tạp chí USNEWS, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Năm 2022, Việt Nam có 5 đại diện lọt vào bảng xếp hạng THE, gồm Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM. 5 cơ sở giáo dục đại học này cũng nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu 2022, bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023 và bảng xếp hạng trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Có được thành tích trên, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, là do tự chủ đại học đạt được nhiều hiệu quả. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (90,6%). Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Từ đầu năm 2018 đến ngày 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở; trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm; thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.
Dù tự hào với thành tích đạt được, nhưng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Năm 2007, tại quyết định phê duyệt mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Đến nay, trong các bảng xếp hạng, vị trí của các trường vẫn chỉ dừng ở top 400 - 1.000+.
Cần đầu tư bài bản
Trường đại học xuất sắc, có thứ hạng tốt và năng lực cạnh tranh cao là một môi trường học thuật hiện đại cần có nhiều đầu tư từ Nhà nước hoặc doanh nghiệp. Các trường đại học có kết quả xếp hạng quốc tế và trong nước tốt sẽ được hỗ trợ giao nhiệm vụ đầu tư phát triển.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, có thực tế là nhiều trường còn chưa mạnh dạn đứng ra “tranh tài” trong bảng xếp hạng thế giới. Nguyên nhân có thể do nhiều trường còn nhầm lẫn giữa kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học.
Một số trường không đào tạo tiến sĩ, có ít nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, nên rất khó lọt vào các bảng xếp hạng. Ngoài ra, nhóm các trường đại học công lập đã có bề dày truyền thống và các kết quả nhất định, nhưng ít nhiều còn thiếu tự tin và đang phải lo “cơm áo gạo tiền”, nên thờ ơ với các bảng xếp hạng.
Để định vị rõ hơn vị trí của giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ thế giới, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần phải quan tâm ở 2 góc độ.
Thứ nhất, là đầu tư phát triển và đánh giá, xếp hạng. Trường đại học xuất sắc, có thứ hạng tốt và năng lực cạnh tranh cao là môi trường học thuật hiện đại cần có nhiều đầu tư từ Nhà nước hoặc các doanh nghiệp.
Thứ hai, là nhận diện, đánh giá để đầu tư hiệu quả. Cũng như các nước, Việt Nam nên có bảng xếp hạng riêng của mình. Bộ tiêu chí này phải bảo đảm các yếu tố chuẩn hóa và hội nhập, phù hợp và định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam.
Cơ quan quản lý cũng cần coi đây bộ công cụ phục vụ công tác đánh giá, nhận diện hiện trạng, xây dựng chính sách đầu tư phát triển và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Các trường đại học có kết quả xếp hạng quốc tế và trong nước tốt sẽ được hỗ trợ giao nhiệm vụ đầu tư phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học có kết quả đánh giá xếp hạng yếu kém cần được xử lý, bảo đảm trách nhiệm với xã hội.
Nếu muốn cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới, các cơ sở trong nước còn nhiều việc phải làm, trong đó, nâng chất lượng đào tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học, tự chủ hiệu quả được coi là những giải pháp quan trọng nhất.