Trong năm 2017, mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc do bất ổn tài chính - tiền tệ, bất ổn địa chính trị và an ninh quốc tế, do trào lưu dân tuý và chủ nghĩa bảo hộ. “Bàn cờ” đối ngoại quốc tế trong năm 2017 bị tác động mạnh bởi sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, trong đó, hợp tác và cạnh tranh đan xen một cách phức tạp.
Trong bối cảnh đó, đóng góp vào những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2017 đã được triển khai một cách chủ động, tích cực, quyết liệt, nâng tầm cả về song phương và đa phương. Nổi bật nhất trong số đó là việc tổ chức thành công Năm APEC 2017, cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới, đó là "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung", qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam. Đồng thời, đối ngoại song phương với các quốc gia khác tiếp tục được củng cố, nâng tầm thông qua cả 4 kênh là Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.
Như lời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói, “năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam”, Báo Đầu tư điểm lại những sự kiện ngoại giao nổi bật nhất trong năm 2017, cho thấy “vị thế mới, khí thế mới” trong công tác đối ngoại của đất nước.
|
Bao trùm và nổi bật nhất của hoạt động đối ngoại năm 2017 là việc Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, với đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 với Tuyên bố Đà Nẵng. Sự kiện này đã tạo hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện, tiếp tục khẳng định APEC là diễn đàn hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc "toàn cầu". Sự tham dự của đầy đủ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và số lượng đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên đông đảo nhất trong 10 năm gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công đó. |
|
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2017 diễn ra ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập Cận Bình ngay sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt - Trung. |
|
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 1/2017. Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, cùng những nghi thức lễ tân đặc biệt, với 21 phát đại bác chào mừng. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ ký kết 15 bản hợp tác giữa hai nước nhân dịp này. Cũng trong năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar và thăm chính thức Cộng hòa Indonesia. |
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tháng 6/2017. Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Trước đó, tháng 5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”. |
|
Chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ kể từ khi ông Trump nhậm chức. Chuyến thăm đạt kết quả toàn diện, góp phần củng cố, duy trì đà phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. |
|
Thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngay trong năm đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ trước sự phát triển của Việt Nam và mô tả: "Việt Nam đã trở thành một điều kỳ diệu của thế giới". Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam và vai trò của Việt Nam trong khu vực. |
|
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Ngoài ra, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và người đồng cấp - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi tới thống nhất nâng quan hệ song phương Việt Nam - Australia lên tầm Đối tác chiến lược. |
|
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 1/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định việc đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam của cá nhân ông. Cũng trong năm 2017, quan hệ Việt - Nhật được củng cố và làm sâu sắc hơn thông qua chuyến thăm cấp nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản và chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori. |
|
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngài Chung Sye-kyun, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm đã góp phần thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc - đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam. |
|
Chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm góp phần thắt chặt quan hệ giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là khi Singapore vừa bầu Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ mới. Trong năm 2017, ngoại giao nghị viện là kênh đối ngoại đem lại nhiều thành công với các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới Vương quốc Thụy Điển, Hungary, Cộng hòa Czech, Australia. |
|
Nhân chuyến tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) và các Hội nghị liên quan tại TP. Saint Petersburg (Liên bang Nga), tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam cam kết cùng IPU, các nghị viện ưu tiên phát triển bền vững. |