Công ty mẹ vẫn có lãi
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, DMC thua lỗ trong cả quý III (lỗ 8 tỷ đồng) và 9 tháng đầu năm (lỗ 14,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính công ty mẹ thì lợi nhuận vẫn đạt 772 triệu đồng trong quý III/2018 và 18,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí không thuận lợi trong việc đầu tư vào các công ty con |
Kết quả lợi nhuận này sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, nhưng bức tranh kinh doanh của công ty mẹ vẫn sáng hơn khá nhiều so với kết quả kinh doanh hợp nhất toàn công ty. Thậm chí, nếu so với kế hoạch kinh doanh đề ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, thì lợi nhuận sau thế của công ty mẹ DMC sau 9 tháng đã vượt kế hoạch 13,6 tỷ đồng của cả năm 2018.
Nếu tính riêng công ty mẹ, vốn chủ sở của doanh nghiệp vẫn được bảo toàn so với đầu năm, với 690 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2018. Trong khi đó, cơ cấu tài chính của công ty mẹ thậm chí còn có xu hướng lành mạnh hơn, khi tỷ trọng nợ trên vốn chủ sở hữu đã giảm từ khoảng 1,5 lần hồi đầu năm còn 1,3 lần tại thời điểm cuối tháng 9/2018.
Kết quả tài chính sơ lược của công ty mẹ DMC phần nào cho thấy nguyên nhân dẫn đến kinh doanh thua lỗ của toàn hệ thống DMC đến từ các công ty con.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, DMC đã đầu tư vào các công ty con gần 117 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên kết 12,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị của hầu hết các khoản đầu tư đã “bốc hơi” ít nhiều so với giá trị gốc.
Những đứa con “rút sức” mẹ
Trong số 3 công ty con và 1 công ty liên kết mà Công ty DMC còn sở hữu đến thời điểm ngày 30/9/2018, chỉ có Công ty TNHH M-I Việt Nam vẫn bảo toàn được vốn đầu tư, trong khi 3 công ty còn lại đã làm hao hụt vốn đầu tư của công ty mẹ.
Cụ thể, giá trị gốc của DMC tại Công ty cổ phần Hóa phẩm dầu khí miền Nam (DMC miền Nam) là 20,4 tỷ đồng, nhưng giá trị được xác định tại thời điểm 30/9 chỉ còn dưới 13 tỷ đồng, dự phòng thua lỗ đầu tư tài chính tại công ty này hơn 7,4 tỷ đồng.
Tại Công ty TNHH Liên doanh DMC - VTS, khoản vốn đầu tư theo giá trị gốc của DMC là gần 12,8 tỷ đồng, nhưng giá trị xác định tại thời điểm ngày 30/9/2018 chỉ còn chưa đến 3,9 tỷ đồng. Đây là một công ty liên doanh của DMC tại Lào, hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, chế biến barite, khoáng sản… Trong năm 2017, Liên doanh DMC - VTS đóng góp sản lượng 1.620 tấn barite trên tổng số 3.780 tấn barite xuất khẩu của toàn hệ thống DMC.
Nhưng DMC miền Bắc mới thực sự là đứa con đáng được quan tâm hơn cả đối với công ty mẹ DMC. Vốn đầu tư theo giá trị gốc của DMC tại công ty này là hơn 33,2 tỷ đồng, song đã phải trích lập dự phòng quá nửa phần vốn, nên giá trị hợp lý chỉ còn dưới 14 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư tài chính mà DMC phải trích lập dự phòng với giá trị lớn nhất (gần 19,3 tỷ đồng).
Doanh thu quý III/2018 của DMC miền Bắc giảm mạnh, chỉ còn 4,8 tỷ đồng (cùng kỳ gần 7,8 tỷ đồng), doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 22,7 tỷ đồng (cùng kỳ đạt gần 26,7 tỷ đồng). Mức lỗ quý III và 9 tháng đầu năm 2018 có giảm hơn so với năm 2017, nhưng do Công ty phải chủ động thu hẹp hoạt động.
Trong nội dung văn bản giải trình, ông Lưu Quốc Phương, Giám đốc DMC miền Bắc cho biết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách hàng trong ngành dầu khí giảm mạnh, nên Công ty phải sản xuất cầm chừng, dẫn đến lỗ ở các khoản chi phí cố định.
Cụ thể, lỗ sau thuế quý III/2018 là 1,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2,4 tỷ đồng); lỗ lũy kế 9 tháng là 7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7,4 tỷ đồng). Tại thời điểm ngày 30/9/2018, vốn chủ sở hữu của DMC miền Bắc chỉ còn hơn 20,4 tỷ đồng, giảm gần 50% so với vốn đầu tư ban đầu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính tới thời điểm này là âm tới 20,3 tỷ đồng.