| ||
Ba quý liên tiếp, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá triển vọng kinh doanh tại Việt Nam ở mức trung bình, 50 điểm |
Việt Nam cần đưa BCI tăng trở lại
Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát thuộc ngành dịch vụ, gần 1/5 thuộc ngành thương mại và sản xuất, còn lại là hoạt động trong các lĩnh vực khác.
Kết quả khảo sát cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục giữ nguyên so với quý III, duy trì ở mức trung bình là 50 điểm.
Giám đốc Điều hành của EuroCham, ông Csaba Bundik cho biết: “Chỉ số BCI lần thứ 3 liên tiếp vẫn giữ mức 50. Với chuyến thăm sắp tới của Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, ngài Antonio Tajani cùng hơn 50 đại diện doanh nghiệp châu Âu theo sáng kiến Sứ mệnh vì sự phát triển, Việt Nam cần phải chứng tỏ rằng Việt Nam vẫn là một thị trường cạnh tranh trong khu vực, và tăng BCI trở lại mức trước đây”.
EuroCham tin rằng, nếu các vấn đề đề cập trong Sách Trắng 2014 của EuroCham được giải quyết thành công, sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh doanh và thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát quý trước, EuroCham mong muốn tìm hiểu xem thay đổi nào sẽ góp phần tăng cường hơn nữa cam kết hoạt động tại Việt Nam của các doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy việc thay đổi các luật lệ, chính sách trong suốt năm 2013 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, và khuynh hướng này dự định sẽ tiếp tục tăng vào năm 2014.
Có tới 89% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Chính phủ cần cân nhắc những vấn đề mà các doanh nghiệp đề cập trong Sách Trắng 2014 của EuroCham.
Nhận xét về kết quả này, Chủ tịch EuroCham, ông Preben Hjortlund cho rằng: “Điều này càng nhấn mạnh việc Chính phủ cần tham vấn quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm luật, nhằm tránh tình trạng phản tác dụng khi thực thi các quy định”.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhìn chung, so với quý trước, không có một sự thay đổi đáng kể nào về đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đối với tình hình kinh doanh hiện tại, với 38% các doanh nghiệp đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, chỉ số này đã phần nào được cải thiện so với năm ngoái - khi mà BCI nằm ở mức thấp nhất, 45 điểm. Số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại đã giảm xuống còn 24% so với 28% của Quý trước.
Về triển vọng kinh doanh, số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tích cực, lần đầu tiên đã giảm (xuống còn 44%) sau hai quý tăng liên tiếp. Tuy nhiên, so với tỷ lệ 26% của năm ngoái, đây là một dấu hiệu tích cực.
Triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát phần nào tiếp tục thể hiện sự lạc quan đối với triển vọng kinh tế vĩ mô, với 47% mong chờ một sự ổn định và cải thiện của tình hình hiện tại và 35% cho rằng sẽ không có sự thay đổi nào.
Kết quả khảo sát BCI quý trước cho thấy, một số doanh nghiệp tham gia khảo sát cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang một nước ASEAN khác. EuroCham mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình xác định những vấn đề ẩn chứa đằng sau sự quan ngại này.
Kết quả BCI của quý này cho thấy 4 thách thức chính khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là tham nhũng (72%); việc thực thi các quy định pháp luật còn yếu hoặc chưa nhất quán (67%); những trở ngại về hành chính (52%); và thiếu sự minh bạch (45%).
Khi nhìn nhận chi tiết hơn về tác động của việc thực thi các quy định pháp luật còn yếu hoặc chưa nhất quán, khoảng 50% các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ ra rằng, việc thay đổi các luật lệ đã tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ; và chỉ 7% cho rằng việc thay đổi các luật lệ trong suốt năm 2013 là điều tích cực.
Hướng đến năm 2014, khoảng một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng các quy định sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ. Tuy nhiên, khoảng 32% vẫn hy vọng sẽ có một môi trường pháp lý tích cực vào năm 2014.
Điều này lý giải cho việc có tới 89% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc các kiến nghị trong Sách Trắng 2014, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 11/11 tới.
Một điều đáng lưu ý khác là, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng ghi nhận một số khía cạnh rất tích cực khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là các cơ hội kinh doanh (60%), sự tăng trưởng trong tương lai của thị trường (60%) và việc Việt Nam được xem như một trung tâm khu vực về xuất khẩu (19%).
Phan Long