Thưa ông, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ, cho đến thời điểm này, điểm nào được đánh giá cao nhất trong việc thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tếû?
Đó là nhận thức trong thực hiện ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương.
| ||
TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Nhận thức trước hết là tái cơ cấu kinh tế là quá trình liên tục và lâu dài, được thực hiện từ nhiều năm nay và việc tái cơ cấu hiện nay là sự kết nối của quá trình này, đi kèm theo yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ hai, đạt được đồng thuận về sự cần thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh là nội dung cơ bản.
Thay đổi về nhận thức thể hiện rất rõ qua hành động, chính sách cụ thể.
Đa số các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu, xây dựng và thông qua Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên phạm vi địa phương. Các bộ đang triển khai công việc được giao đúng tiến độ.
Điều đó có nghĩa là…
Nhận thức không thể duy trì cách thức, mô hình tăng trưởng cũ đã được thể hiện trong các đề xuất chính sách, cũng như trong điều hành kinh tế của Chính phủ.
Chính phủ tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt và hiệu quả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh áp lực của nhiều bên có liên quan đòi hỏi mở rộng thêm chi tiêu ngân sách, gia tăng thêm tín dụng để có tăng trưởng theo kiểu cũ vẫn rất lớn.
Thông điệp này đã được đưa ra rõ ràng rằng, không thể quay trở lại cách thức tăng trưởng cũ, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện cơ bản không thể thiếu để thực hiện tái cơ cấu. Rõ ràng, đà duy trì của mô hình tăng trưởng cũ đang bị chặn lại. Nếu không chặn đà này, thì cơ hội cho mô hình tăng trưởng mới sẽ rất khó, giai đoạn giằng xé giữa mới và cũ như vừa qua sẽ tiếp tục.
Ví dụ, tái cơ cấu đầu tư công là một trong các khâu đi vào cuộc sống và mang lại kết quả rõ nét. Đã giảm đáng kể tỷ trọng đầu tư, việc phân bố vốn đầu tư đã được điều chỉnh, vốn đầu tư đã được phân bổ vào các dự án ưu tiên, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải...
Cơ chế quản lý đầu tư nhà nước đã bước đầu được hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh, của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình; thực hiện cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn, giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu bằng nhiều cách khác nhau…
Dự kiến, trong thời gian tới, trên cơ sở Luật Đầu tư công được thông qua, Nhà nước sẽ kiểm soát được đầu tư công một cách tốt hơn.
Tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, xác định các khoản mục đầu tư phải thoái vốn... Một số ít khoản vốn đã được thoái. Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, kỳ vọng nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, thì các công việc có vẻ vẫn khá chậm?
Như đã nói, quá trình chuyển đổi là lâu dài. Tái cơ cấu hiện tại chỉ mang tính chất thời điểm, đòi hỏi thay đổi đạt được phải mạnh mẽ hơn về cường độ và quy mô. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ổn định, nhiều rủi ro, giải pháp chính sách vừa phải cân đối xử lý cả vấn đề trước mắt lẫn lâu dài, nên nhiều khi không thể thực hiện một cách nhất quán và mạnh mẽ những giải pháp tái cơ cấu.
Chính vì vậy, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, dù so với yêu cầu thì chưa đạt cả về tốc độ và giải pháp. Các giải pháp thực hiện vẫn trong khuôn khổ hệ thống thể chế hiện hành…
Đột phá thể chế là một trong 3 khâu đột phá, cùng với nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, thưa ông?
Nhưng vấn đề thế nào là đột phá về thể chế thì chưa được lượng hóa. Đột phá thể chế có phải chỉ là ban hành nhiều văn bản pháp luật không? Theo tôi là không.
Đột phá là phải thay đổi được nội dung của thể chế, thay đổi này lớn về quy mô, mức độ và thời điểm phải nhanh, đủ sức để tác động làm thay đổi hệ thống động lực, hay thay đổi phân bổ nguồn lực. Có thể nói, cơ chế khoán 10, Luật Doanh nghiệp 1999 là những đột phá về thể chế. Khi không rõ về đột phá, hành động sẽ khó.
Tuy nhiên, việc thay đổi lớn về thể chế đang phụ thuộc đáng kể vào sửa đổi một số nội dung có liên quan của Hiến pháp 1992. Một số dự án luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện và thông qua trong các kỳ họp tới của Quốc hội.
Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia chỉ đưa ra được giải pháp mang tính kỹ thuật, còn những thay đổi mang tính cục diện, căn bản, làm đòn bẩy khuyến khích và mở ra dư địa rộng hơn cho kinh tế thị trường thì phải là tầm chính trị.
Khánh An