Tốc độ tăng trưởng 5,3% mà WB vừa cập nhật cho kinh tế Việt Nam năm 2013 có thể coi là khá sáng so với những dự báo vừa được đưa ra trong quý II/2013 của một số tổ chức dự báo khác.
| ||
Giảm sút về sản xuất là biểu hiện cho sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế. (Ảnh: Hà Thanh) |
Mới đây nhất, vào giữa tháng 6/2013, HSBC đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 5,1%. Nếu so với chính dự báo của WB hồi đầu năm, thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng, từ mức 5,2% lên 5,3%.
Cơ sở của dự báo trên, theo các chuyên gia WB, là sự ổn định tương đối của kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể, từ 2,2 tháng nhập khẩu trong quý I/2013 lên 2,8 tháng vào quý I/2013. Đặc biệt, mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện, tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng đã giảm từ 350 điểm cơ bản vào tháng 6/2012 xuống còn 250 điểm cơ bản vào tháng 6/2013...
Tuy nhiên, điều này hầu như không còn ý nghĩa nếu đặt trong những lo ngại chung của WB về khả năng tốc độ tăng trưởng chậm của Việt Nam còn kéo dài. Thậm chí, trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vừa được công bố cuối tuần trước, các chuyên gia WB đã buộc phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 và rằng, trong khi kinh tế thế giới đang ấm dần, thì Việt Nam lại có dấu hiệu đi chậm lại.
“Vài năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng trưởng chỉ sau Trung Quốc. Nhưng từ sau cuộc khủng hoảng 2007 - 2008, cụ thể là từ năm 2010, Philippines, Indonesia lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Với tình hình này, bao lâu nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các quốc gia láng giềng này?”, ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đặt câu hỏi khi lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đi sau 2 quốc gia này về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tình hình mà ông Deepak nhắc tới, đó là tổng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam giảm một cách toàn diện, chỉ còn 29,6% trong quý I/2013, từ mức 38,5% năm 2010. Chỉ số mua hàng của nhà quản trị (PMI - phản ánh tình trạng tồn kho và đơn đặt hàng của doanh nghiệp) vẫn ở dưới mức trung bình, ngưỡng biểu thị cho sự giảm sút về sản xuất. Ngay cả thị trường bán lẻ và dịch vụ cũng ghi nhận sự giảm sút, tính theo giá trị danh nghĩa, từ 16% năm 2012 xuống còn 11,9% trong nửa đầu năm 2013.
“Trong bối cảnh đó, ngân sách nhà nước đang rất căng thẳng do nguồn thu từ thuế và thu ngoài thuế giảm mạnh, làm giảm khả năng chi theo kế hoạch, nhưng các khoản chi hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ hồi phục kinh tế vẫn phải thực hiện”, ông Deepak nói và cho rằng, nợ trong nước đang gia tăng và vấn đề xử lý nợ xấu vẫn cần cách tiếp cận tích cực và dài hạn hơn sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập.
Cho tới thời điểm này, ngoài những thách thức đã được nhắc tới, thêm hai rủi ro chính mà Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của WB nhấn mạnh.
Một là, tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, từ đó tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn thành quả mong manh của kinh tế vĩ mô.
Hai là, việc chậm triển khai các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới tăng trưởng.
“Làm sao cải thiện được mức tăng trưởng lên 6%, đồng thời cải thiện được năng suất, hiệu quả thu ngân sách nhà nước, đầu tư công, tăng tốc cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị và cho rằng, sự giảm sút niềm tin chính là điểm nghẽn nguy hiểm của tăng trưởng.
Bảo Duy