Doanh nghiệp
DN chọn cách vượt khó
Anh Hoa – Thanh Tân - 26/03/2013 23:45
Mặc dù khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục làm đau đầu giới doanh nhân, song từng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực hết sức để tìm hướng ra cho mình.
TIN LIÊN QUAN

“Buông xuôi không phải phong cách sống của tôi”

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Quỹ DFJV (VinaCapital)

Đối với khối doanh nghiệp tư nhân, năm nay vẫn là một năm rất khó khăn.

Họ phải đương đầu với các những ảnh hưởng vĩ mô phía ngoài, cộng thêm những tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ rằng, thành công sẽ đến với những ai có niềm tin cao và khả năng lãnh đạo thuyết phục mọi người xung quanh để họ cùng tin theo và có cùng quan diểm đề cùng nhau đợi lúc trời sáng.

Đối với tôi, để cho Quỹ DVFJ vận hành hiệu quả thì áp lực của các nhà đầu tư đối với người quản lý tiền của họ rất lớn. Quỹ của tôi tuy nhỏ, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất áp lực. Hiện, chúng tôi đang nỗ lực phát triển các công ty trong danh mục để có thể thoái vốn khi thị trường phục hồi. Buông xuôi không phải là phong cách sống của tôi, dù có nản đến mức nào

Doanh nhân Việt Nam ngày càng có có sự tiến bộ, bài bản và chuyên nghiệp. Họ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tích cực phát triển.

Tuy nhiên, mỗi doanh nhân chỉ là một thành viên trong xã hội và ít nhiều chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh họ.

Môi trường không đúng luật lệ sẽ là rào cản đối với doanh nhân. Ước vọng của tôi là có một môi trường tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng của nền kinh tế. Tức là, môi trường cạnh tranh dựa trên sản phẩm, dịch vụ, giá cả thay vì dựa trên quan hệ, ai làm giỏi thì họ hưởng. Ngược lại doanh nghiệp tư nhân cũng phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, không lách luật và theo quy luật kinh doanh là có đi có lại.

“Đáy của khủng hoảng cũng là thời điểm tốt nhất cho những chiến lược thông minh”

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT

Ngày doanh nhân Việt Nam là 1 ngày bình thường trong 365 ngày làm việc, cày cuốc của các doanh nghiệp. Tôi thiên về tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng kiểu “mưa dầm thấm đất”, thay đổi tư duy của lãnh đạo ở chiều sâu, nâng cấp độ trưởng thành của hệ thống quản trị, hơn là các kế hoạch ngắn hạn chạy theo thành tích, lễ kỷ niệm, phát động phong trào,…

Khủng hoảng là lúc doanh nhân cần chứng minh tài năng, bản lĩnh của mình. Đáy của khủng hoảng cũng là thời điểm tốt nhất cho những chiến lược thông minh, những cơ hội mới đơm hoa kết trái.

Tôi thích từ Hán Việt “nguy cơ” với hàm ý “trong nguy có Ccơ” hơn là ngữ nghĩa tiếng Anh đơn thuần chỉ là rủi ro.

Hệ thống miễn dịch của doanh nghiệp Việt Nam nói thì dễ nhưng cứ nhìn vào danh sách hàng nghìn doanh nghiệp phá sản sẽ thấy khả năng “miễn dịch” có thật sự là giải pháp hay không? Tôi thì không tin vào bất kỳ khả năng “thần kỳ” nào, nếu không xuất phát từ lao động và tư duy sáng tạo, miệt mài của con người.

Lúc này, giá trị của niềm tin và bản lĩnh doanh nhân nên được thể hiện qua 3 việc cần phải làm ngay là: Tái cấu trúc chi phí (không có doanh thu thì bắt buộc phải tiết kiệm để tồn tại); Củng cố nhân sự trọng yếu (Key People) vì đây là lúc tình thần và niềm tin vào công ty của nhân viên lung lay nhất; Xây dựng chiến lược đột phá, giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi khủng hoảng và tạo đà phát triển trong tương lai. Đây là lúc các lãnh đạo cần chứng minh giá trị, bản lĩnh và tư duy dẫn dắt của mình đối với nhân viên, doanh nghiệp.

Luật Sư Phạm Ngọc Hưng

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Khủng hoảng kinh tế gây khó cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhưng cũng đem lại không ít cơ hội.

Thứ nhất, đó là cơ hội tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Hàng loạt con thuyền ra khơi, có những con thuyền bị sóng to cuốn chìm, nhưng có những con thuyền có thể đi chậm lại và định hình lại hướng gió để đi cho phù hợp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong một thời gian dài phát triển ồ ạt, quản trị theo kiểu gia đình, khi đụng khó khăn lớn, đang đối diện nguy cơ bị phá sản, tạm ngưng hoạt động. Để tồn tại, doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại cho phù hợp.

Thứ hai là, phân bổ lại không gian thị trường. Một doanh nghiệp ra đi là để lại thị trường cho những doanh nghiệp ở lại và cơ hội cho những doanh nghiệp mới.

Thứ ba là, cơ hội chọn người tài.

TS. Nguyễn Tuấn Quỳnh

Thành viên HĐQT Công ty Vàng Bạc Đá Quỹ Phú Nhuận: Hai cách vượt khủng hoảng

Để vượt qua khủng hoảng, vừa qua chúng tôi đã bán lại Công ty TNHH Chế biến Gỗ Tân Phú cho một doanh nghiệp khác hoạt động trong ngành chế biến gỗ, do họ có sẵn nguồn khách hàng, tổ chức quản lý sản xuất tốt và hoạt động hiệu quả hơn chúng tôi.

Từ kinh nghiệm thực tế, có thể thấy trong bối cảnh khủng hoảng, các doanh nghiệp sản xuất có thể áp dụng hai giải pháp chính để vượt khó. Thứ nhất là, tái cấu trúc lại công ty, xác định đâu là lợi thế cạnh tranh của mình và đánh giá xem với lợi thế cạnh tranh đó có tiếp tục phát triển được công ty hay không. Thứ hai là, xem xét mua bán sáp nhập DN (M&A). Các DN cùng ngành, cùng chuỗi giá trị có thể sáp nhập để tạo thêm giá trị cạnh tranh. Không loại trừ khả năng là bán lại DN nếu thấy không còn phù hợp.

Tin liên quan
Tin khác