Sau chia sẻ của doanh nhân Đỗ Cao Bảo về lựa chọn trở về Việt Nam khởi khiệp sau thời gian du học tại Mỹ của con trai Đỗ Bảo Dương, Báo Đầu tư Online đã nhận được nhiều ý kiến, bình luận của độc giả về chủ đề này.
Phóng viên Đầu tư Online cũng trao đổi, ghi lại những suy nghĩ của "nhân vật chính" trong câu chuyện - Đỗ Bảo Dương, sáng lập BOM Gastronomy. Dưới đây là những chia sẻ của Đỗ Bảo Dương về lựa chọn của mình.
*
* *
Có lẽ, khi đã trở thành công dân toàn cầu thì Đỗ Bảo Dương có thể thực hiện giấc mơ đưa nền ẩm thực Việt "soán ngôi vương" của thế giới ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, Dương cho rằng, ở Việt Nam sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn, đồng thời, sau quá trình du học xa nhà, Dương muốn tìm lại nguồn gốc Việt của mình.
Đỗ Bảo Dương tự tin mình sở hữu đủ tố chất của một "tay chơi" start-up toàn cầu: Trẻ, tràn trề quyết tâm, sẵn sàng thích nghi và làm mọi thứ để thành công, kể cả khi số đông không đứng về phía mình. Nhưng để kinh doanh bùng nổ và tạo sóng dài hơi, Dương cho rằng phải luôn cải thiện bản thân để có thêm những tố chất khác. Và lúc này thì sự cẩn trọng là yếu tố Dương cần rèn thêm.
BOM Gastronomy chính là dự án start-up đầu tay của Dương. Dự án này được cậu phôi thai trong thời gian hơn 60 ngày lockdown ở một trong những bang dịch Covid-19 nặng nhất Mỹ là Boston và sau khi tốt nghiệp trở về Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày ở doanh trại quân đội. Đặc biệt, sau thời gian ngắn chứng kiến ngành F&B ăn nên làm ra bất chấp đại dịch.
Mục tiêu càng tham vọng thì phải bắt tay vào làm càng sớm càng tốt
Điều gì khiến Dương lựa chọn về nước ngay sau khi học xong, nhất là trong đại dịch việc đi lại, cách ly luôn là nỗi ám ảnh?
Tôi biết mục tiêu của mình sẽ kéo dài rất nhiều năm nên điều cần làm là bắt đầu cáng sớm càng tốt, miễn là tự tin mình có khả năng để làm dù nhỏ hay lớn. Trong lúc làm tôi luôn luôn tìm kiếm cơ hội phát triển những phần mình thiếu. Tôi cũng sẽ cố gắng tìm ra những đối tác và đồng nghiệp cùng chí hướng có thể hỗ trợ.
Dương nói, sống ở Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn, điều gì khiến một người học tập, sinh sống ở nước ngoài và đã đi nhiều nơi trên thế giới có cái nhìn như vậy?
Điều đó là hiển nhiên. Ở nơi mình được sinh ra, lớn lên sẽ luôn mang lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc nhất. Ở đây, tôi được thoả mãn giấc mơ mang nền ẩm thực nước nhà lên số 1. Đúng là tôi có thể thực hiện giấc mơ này ở bất kỳ đâu, nhưng ở Việt Nam thuận lợi hơn và vì sau quá trình du học, tôi cũng muốn trở về với nguồn gốc Việt của mình.
Đỗ Bảo Dương (áo vest) và khách mời tại sự kiện khai trương nhà hàng |
Điều gì trong 7 năm du học mà Dương đã trải nghiệm được và nó trở thành nền tảng để trở về một cách rất tự tin với các kế hoạch kinh doanh?
Tuy không hiểu hết tất cả văn hoá trên toàn thế giới, nhưng tôi tôn trọng và chấp nhận tất cả các nền văn hoá và luôn tìm hiểu kỹ hơn văn hóa của nước bạn. Đấy cũng là một trong những lý do tôi có rất nhiều bạn bè ngoại quốc, từ các nền văn hóa Á, Âu, Mỹ, Phi, như Nhật Bản, Ấn Độ, Qatar, Mỹ, Nigeria…
Để trở thành công dân toàn cầu chúng ta phải luôn tìm hiểu về các các nước khác trên thế giới để rồi cùng chung tay xây dựng tương lai toàn cầu. Trong 7 năm du học với sự va chạm từ những người bạn đến từ các nền văn hoá khác nhau đã cho tôi thấy sự tuyệt vời của các nền văn hoá khác. Điều đó thôi thúc tôi muốn chia sẻ văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chính sự tiếp xúc và sự am hiểu về nhiều nền văn hoá đã tạo nên nền tảng để tôi tự tin cho những kế hoạch kinh doanh mang tính toàn cầu.
Trở về nước và chứng kiến xã hội Việt Nam phát triển một cách đáng kinh ngạc
Trước khi khởi nghiệp, Dương thấy xã hội, môi trường, văn hoá kinh doanh Việt Nam thay đổi ra sao?
Từ lúc tôi đi du học đến khi trở về thì được chứng kiến xã hội Việt Nam phát triển một cách đáng kinh ngạc. Nó thể hiện qua cách mọi người đi ăn, đi uống, và đi chơi. Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những nhà hàng cao cấp, sang trọng, và độc đáo để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người Việt.
Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất chính là sự toàn cầu hoá của người dân không thua kém bất kì những cường quốc nào trong cả cách ăn uống giải trí lẫn cách làm việc. Những bạn trẻ Việt còn rất am hiểu về văn hoá toàn cầu và hy vọng đây sẽ là tiền đề tốt trong chiến lược toàn cầu hoá của đất nước.
Để đưa nền ẩm thực Việt Nam trở thành nền ẩm thực số 1 toàn cầu thì cần yếu tố gì từ thế hệ trẻ dấn thân vào kinh doanh lĩnh vực này?
Để trở thành nền ẩm thực số 1 toàn cầu thì điều đầu tiên chúng ta cần làm là đạt được tiêu chuẩn dịch vụ toàn cầu. Mỗi nước mỗi nơi một khác nhưng dịch vụ sự tận tuỵ với khách hàng thì bất kì cơ sở kinh doanh nhà hàng và khách sạn nào trên thế giới cũng đều phải có. Đương nhiên sẽ rất là khó để có một cái quy chuẩn trung cho dịch vụ toàn cầu do sự khác biệt văn hoá của các nước. Tuy nhiên sự hài lòng của khách hàng luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng những quy trình, máy móc và kỹ thuật nấu ăn hiện đại để tăng sự hiệu quả cũng như cải tiến cách chúng ta nấu bất kỳ món ăn nào mà vẫn đảm bảo được hương vị.
Thậm chí chúng ta phải học hỏi những kỹ thuật và quy trình nấu ăn của các nền ẩm thực hàng đầu khác để được như họ và thậm chí là hơn nếu chúng ta áp dụng tốt hơn họ. Yếu tố cuối cùng để biến nền ẩm thực Việt Nam trở thành nền ẩm thực số 1 là quay lại gốc rễ của văn hoá ẩm thực Việt.
Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến đồ ăn mang chất “Việt Nam”? Ta phải tìm hiểu truyền thống của dân tộc và tìm ra được những thứ đặc trưng của người Việt rồi bảo tồn và quảng bá nó. Chỉ khi bạn bè nước ngoài cảm thấy đặc biệt khi nhắc đến đồ ăn Việt Nam thì nền ẩm thực của chúng ta mới xứng đáng vị trí số 1.
Các bạn trẻ cần hiểu những yếu tố này để có thể nâng tầm chất lượng dịch vụ, áp dụng hiệu quả các kỹ thuật nấu ăn toàn cầu, và bảo tồn văn hoá ẩm thực Việt trong tương lai. Đưa nền ẩm thực Việt Nam lên vị trí số 1 là quá trình sẽ còn kéo dài rất nhiều năm nên các bạn trẻ đóng vai trò thiết yếu trong công cuộc này.
Tôi và bố là hai "chiến tuyến" kinh doanh khác nhau
Máu kinh doanh trong người Dương được ảnh hưởng từ ai trong gia đình?
Tôi hoàn toàn không đam mê kinh doanh cho đến khi lên đại học. Khi đó tôi nhận ra sự quan trọng của việc kinh doanh đối với việc đạt được giấc mơ nên đã bắt đầu tìm hiểu.
Sau quá trình đó tôi lại càng thấy thích kinh doanh hơn. Đồng thời, với một gia đình có truyền thống kinh doanh, tôi được học hỏi những kiến thức quý báu và kinh nghiệm của những người đi trước. Gia đình đã và đang là nguồn kiến thức dồi dào mà tôi có được.
Đỗ Bảo Dương và bố (doanh nhân Đỗ Cao Bảo) trong chuyến đi công tác ở Áo (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Khi có bố gần như là một doanh nhân cầu toàn và mang tầm nhìn kinh doanh theo kiểu toàn cầu, Dương hẳn là rất nghe theo lời khuyên, chỉ bảo của ông?
Tôi luôn tôn trọng và tiếp thu các ý kiến và những lời chỉ bảo của bố. Nhưng vì tôi với bố có hai góc nhìn khác nhau và làm về hai nghành khác nhau, nên đôi lúc có một số những bất đồng quan điểm trong việc kinh doanh.
Tuy nhiên, hai bố con rất tôn trọng góc nhìn của nhau nên gần như không có mâu thuẫn mà chỉ có những cuộc tranh luận tri thức.
Lợi thế về kinh nghiệm gia đình đó liệu sẽ giúp Dương đi xa hơn trong các dự án ấp ủ của mình? Nếu không, thì đâu mới là điều cần nhất?
Những kinh nghiệm và kiến thức từ gia đình đã giúp tôi rút ngắn thời gian vì tôi đã học được từ những cái họ đã rút ra sau nhiều năm kinh doanh. Quan trọng hơn là tôi cũng phải biết cách áp dụng những kinh nghiệm và kiến thức đó ra sao cho phù hợp với chính hoàn cảnh của mình.
Dù Việt Nam đang phát triển mạnh phong trào khởi nghiệp, nhưng nhiều người vẫn đang loay hoay đi tìm định nghĩa khởi nghiệp. Vây với Dương, khởi nghiệp là thế nào?
Với tôi, đơn giản là mình làm chủ một công việc kinh doanh của chính mình nghĩ ra và phát triển nó một cách bùng nổ.
Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.
Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.
Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?
Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: huyhaodautu@gmail.com.