“Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành thống kê đã nghiên cứu để đo lường quy mô nền kinh tế số một cách đầy đủ nhất, từ việc xác định khái niệm và phạm vi để đo lường chỉ tiêu này”, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Trước khi chính thức đo lường và công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số, Tổng cục Thống kê đã tiến hành tính toán, thí điểm và kết quả thế nào, thưa bà?
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Phát triển kinh tế số vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế, từ đó phát triển bứt phá trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về phát triển kinh tế số, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đề xuất cách thức thực hiện phù hợp, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê năm 2021 và Nghị định 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP đã quy định việc đo lường và công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Trước khi chính thức đo lường và công bố kể từ năm 2024, Tổng cục Thống kê đã tiến hành nghiên cứu, tính toán kinh tế số giai đoạn 2020-2023. Theo đó, năm 2020, kinh tế số chiếm 12,66% GDP, năm 2021 là 12,87%, năm 2022 là 12,63% và ước tính năm 2023 là 12,33%.
Thưa bà, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam so với các nước trên thế giới ra sao?
So sánh với các nước trên thế giới, tỷ trọng kinh tế số ở Việt Nam tương đương với Thái Lan; thấp hơn nhiều so với Malaysia và Singapore, nhưng cao hơn so với một số quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Canada, Australia... Sở dĩ có sự khác nhau này do các nước xác định phạm vi đo lường kinh tế số khác nhau.
Việt Nam đo lường kinh tế số tiếp cận với khuyến cáo và hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế. Phạm vi kinh tế số bao gồm hoạt động kinh tế số lõi và hoạt động kinh tế được số hoá (sử dụng các sản phẩm của ngành kinh tế số lõi làm yếu tố đầu vào trong quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh).
Với khái niệm và phạm vi đo lường như trên, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đang có có xu hướng giảm dần, từ 12,87% năm 2021 xuống 12,63% năm 2022 và giảm tiếp còn 12,33% vào năm 2023. Điều này cũng cùng xu hướng với Thái Lan (giảm từ 12,66% năm 2021, xuống 12,1% trong năm 2022), cũng như các nền kinh tế dựa vào khái niệm, quy trình đo lường kinh tế số theo khuyến cáo của OECD và ADB.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số phải chiếm 50% GDP. Thưa bà, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP đang có xu hướng giảm thì khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra?
Theo đo lường của Tổng cục Thống kê, năm 2023, giá trị của kinh tế số đóng góp vào GDP ước đạt 12,33%. Để đạt được mục tiêu đặt ra, năm 2024, kinh tế số phải tăng thêm hơn 30% và năm 2025 tăng thêm hơn 50%. Điều này thực sự khó khăn và đầy thách thức.
Mục tiêu kinh tế số chiếm 50% GDP là một thách thức rất lớn, có thể không đạt được, nhưng điều rất đáng mừng là, theo quan sát của Tổng cục Thống kê, xu hướng số hóa ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, từ sản xuất, phân phối, thương mại, dịch vụ, ở cả những địa bàn là trọng điểm kinh tế, trọng điểm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và những địa phương kinh tế vẫn phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt ngày càng được đẩy mạnh. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, quản lý điều hành, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.
Với ngành thống kê, chúng tôi cố gắng đo lường quy mô nền kinh tế số cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương một các cách đầy đủ nhất, chính xác, khách quan, khoa học, không vì mục tiêu đặt ra mà đưa ra con số đo lường không đúng với thực tế.
Thưa bà, kết quả đo lường kinh tế số liệu có chính xác, khi theo kết quả đo lường của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang đứng đầu cả nước, chứ không phải là các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương...?
Theo kết quả tính toán, giai đoạn 2020-2023, có 10 địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao hơn so với mức chung của cả nước, trong đó, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc dẫn đầu; tiếp theo là Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nam. Kết quả này là hoàn toàn chính xác nếu nhìn vào việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương này trong những năm vừa qua.
Các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành kinh tế số lõi, cụ thể là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học... chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp.
Chẳng hạn, năm 2023, trong giá trị tăng thêm của kinh tế số, thì các ngành kinh tế lõi chiếm 87 - 96% tổng giá trị tăng thêm kinh tế số của địa phương tốp đầu. Trong khi đó, kinh tế lõi chỉ chiếm 68% trong giá trị kinh tế số của Hà Nội và tỷ lệ này của TP.HCM chỉ 66%. Điều này cũng phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của Đảng là các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... tập trung phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch..., còn hoạt động sản xuất chuyển sang các địa phương khác.
Thế còn các địa phương không phải là trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhưng kinh tế số rất thấp thì sao, thưa bà?
Các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số thấp chủ yếu là do ngành kinh tế số lõi thấp, hoạt động kinh tế số chủ yếu là do số hóa của các ngành kinh tế khác. Ví dụ, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kinh tế số chỉ chiếm 5,04% GRDP; tại Tây Ninh, con số này là 4,94%.
Tôi nhấn mạnh rằng, kết quả tính toán kinh tế số của các địa phương hoàn toàn chính xác, khách quan, vì phạm vi tính tỷ trọng kinh tế số của Tổng cục Thống kê đưa ra gồm các các ngành kinh tế số lõi và các ngành kinh tế khác được số hóa. Về phương pháp tính toán đối với ngành kinh tế số lõi được áp dụng thống nhất cho cả trung ương và địa phương theo phương pháp sản xuất; đối với các ngành kinh tế khác được số hóa sẽ dựa dựa trên chi phí ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như công tác quản lý điều hành. Hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, song do đặc thù kinh tế của mỗi địa phương, nên tỷ trọng này ở các tỉnh, thành phố là khác nhau.