Các doanh nghiệp xe máy đang đau đầu trước tình trạng thiếu nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất |
Sản lượng xe tay ga của Honda Việt Nam trong tháng 6/2022 giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng của nhiều nhà sản xuất ô tô tên tuổi trên thế giới giảm khiến một loạt đại lý tại Việt Nam phải chấp nhận dừng nhận đơn đặt hàng hoặc phải thương lượng với khách lùi thời gian giao hàng sang năm 2023.
Không chỉ doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy, nhiều doanh nghiệp dệt may, giày dép, cơ khí... cũng đang đau đầu trước tình trạng thiếu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nỗ lực nhằm đáp ứng đúng hạn đơn hàng đã ký với đối tác. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên chủ yếu do tác động từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng linh, phụ kiện và nguyên vật liệu đầu vào.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu không những khiến doanh nghiệp thêm khó khăn khi thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh đề ra, mà còn tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, tới chặng đường phục hồi xuất khẩu của nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cho dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng qua của cả nước đạt hơn 185,9 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nhiều ngành có mức tăng ấn tượng, nhưng rủi ro vẫn rất lớn.
Điều dễ nhận thấy nhất là căng thẳng từ xung đột Nga -Ukraine có thể đẩy giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, tiếp tục tác động xấu tới chuỗi cung ứng, dẫn tới khan hiếm hàng hóa nguyên liệu đầu vào.
Ngoài mối lo về nguy cơ tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện còn nhiều mối lo khác.
Đó là nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... có dấu hiệu sụt giảm trước áp lực lạm phát. Thực tế cho thấy, lạm phát cao dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng, chi cho tiêu dùng giảm và với nhiều thị trường, điều này hiện không còn là dự báo.
Đó là hiện tượng “mua quá mức” trong quý V/2021 và quý I/2022 đang gây áp lực dư thừa, dẫn tới việc không ngoại trừ khả năng sẽ có đối tác cắt giảm đơn hàng trong quý III và IV/2022.
Với doanh nghiệp dệt may, đó còn là nỗi lo hàng đã sản xuất xong, nhưng có thể do tồn kho quá lớn, nên khách hàng tiêu thụ yêu cầu dừng hoặc đề nghị lùi thời gian giao hàng. Khi đó, doanh nghiệp sản xuất đành chấp nhận lưu kho để giữ chân bạn hàng cho những năm sau.
Thống kê của Nikkei cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho của hơn 2.000 công ty sản xuất niêm yết trên toàn cầu hiện ở mức kỷ lục 1.870 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua. Giá trị hàng tồn kho lớn như vậy một phần do gián đoạn về chuỗi cung ứng, một phần do doanh nghiệp cung ứng và cả doanh nghiệp sản xuất muốn trữ hàng nhằm tránh tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất cũng như hàng thành phẩm.
Nhìn ở góc độ khác, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, sức mua giảm càng làm dày thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, nhất là khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài.
Để vượt qua thách thức trên, các doanh nghiệp trong nước cần tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp, Trung Quốc còn duy trì chính sách zero Covid, thì cùng với việc linh hoạt tìm nguồn cung mới, doanh nghiệp cần sớm đàm phán lại với nhà cung ứng làm sao đảm bảo được ổn định nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, đồng thời đàm phán thêm với đối tác phân phối, tiêu thụ để linh hoạt thời hạn giao hàng. Đây cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp từng áp dụng trong năm 2021. Ngoài ra, cần đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu sản xuất. Đặc biệt là phải thắt chặt mối liên kết, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của nhau trong sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự lệ thuộc vào đối tác bên ngoài.
Cùng với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần tăng tốc triển khai các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất tín dụng những tháng cuối năm, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất do đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn tăng cao. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, thì doanh nghiệp sẽ vuột mất cơ hội tăng tốc xuất khẩu, đáp ứng đơn hàng lớn những tháng cuối năm. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tất yếu bị ảnh hưởng, bởi thành tích xuất khẩu hàng hóa của cả năm thường phụ thuộc không nhỏ vào kết quả đạt được trong giai đoạn này.