Ở Mỹ, trong chương trình học mẫu giáo, nhà trường đã giới thiệu cho các con về tiền.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền – Chuyên gia Giáo dục tài chính cho trẻ em về vấn đề này.
Theo một khảo sát gần đây nhất trên 600 phụ huynh về việc Giáo dục con về tiền thì có 94% người ủng hộ nên dạy trẻ hiểu về giá trị của tiền; 50% người cho rằng nên dạy những đứa trẻ tuổi từ 6-10 tuổi về giá trị của tiền bạc là phù hợp; 70% người ủng hộ cho con một khoản tiền tiêu vặt riêng. Là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đại đa số các bậc phụ huynh về vấn đề này vì kỹ năng mà chúng ta cần rèn luyện cho con là kỹ năng quản lý tiền & tài chính bởi đây là một kỹ năng quan trọng mà người thành công nào cũng cần phải có.
Các bạn cũng biết, trong thế giới hiện đại ngày nay, nếu không có kỹ năng tài chính và am hiểu về tài chính, chúng ta khó có thể hòa nhập và thành công.
Theo bà, dạy trẻ về tiền chính xác là dạy những gì?
Có thể nói kỹ năng quản lý tiền gồm một số thành phần nhỏ.
Thứ nhất là giáo dục con khái niệm về tiền và tài chính, giá trị của tiền như thế nào, thái độ -thói quen đúng đắn về tiền.
Thứ hai là một số kỹ năng như kỹ năng tiết kiệm tiền ra sao, kỹ năng làm thế nào để tiền sinh lợi… Quan trọng hơn nữa là các quyết định chi tiêu thông minh và kỹ năng quản lý rủi ro liên quan tới tài chính trong tương lai.
Vậy, độ tuổi nào là thích hợp để dạy con về tiền?
Đây là một câu hỏi mà tôi thấy có rất nhiều các phương án trả lời khác nhau. Ở nước ngoài thì tôi thấy họ giáo dục con trẻ về tiền từ rất sớm, ngay từ khi các con 4-5 tuổi, thậm chí là dưới 3 tuổi như người Do Thái. Ví dụ như ở Mỹ, trong chương trình học mẫu giáo, họ đã giới thiệu cho các con về tiền, chiếu tờ tiền lên màn hình để các bé nhận biết được từng loại tiền. Sau đó họ chia các bé thành từng nhóm, mỗi nhóm đưa cho các bé một vài tờ tiền nhỏ, các bé phải lên kế hoạch ra siêu thị mua món gì đó mà có thể chia đủ cho tất cả các bạn trong nhóm với số tiền được phát. Tôi thấy đây là một cách tiếp cận rất dễ thương về tiền.
Bố mẹ muốn dạy con cách thức làm cho đồng tiền sinh lãi thì bố mẹ có thể chơi trò chơi giả định với con.
Bà có thể gợi ý những tình huống cụ thể mà bố mẹ có thể ứng xử để giáo dục con những kỹ năng về tiền?
Đối với kỹ năng tiết kiệm, bố mẹ đưa ra những công việc phù hợp với lứa tuổi của trẻ mà trẻ có thể làm được. Ví dụ như trẻ 5 tuổi có thể giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo…Với những hành động đó, trẻ có thể nhận được điểm thưởng và khi nào đủ điểm có thể quy đổi ra thành một khoản tiền nhất định.
Đấy là một kỹ năng về tiết kiệm tiền. Thứ hai, là khi mà trẻ lớn hơn, bố mẹ thường hay cho con mốt số khoản tiền tiêu vặt. Thế nhưng chúng ta lại thường không đặt ra mục tiêu là con phải tiết kiệm như nào, mua sắm ra sao. Chúng ta có thể đưa cho con một khoản tiền nhất định và nói với con có những lúc con cần làm cái này, con cần làm cái kia, tức là phải đặt mục tiêu nhất định cho trẻ.
Thứ ba, là từ nhỏ đến lớn, trẻ hay được bố mẹ mua cho đồ chơi thì chúng ta có thể biến những đồ chơi này thành mục tiêu để trẻ tiết kiệm. Tôi nghĩ là các bố mẹ thường quên không đặt mục tiêu cho con. Một khi chúng ta đặt mục tiêu, tôi nghĩ các con sẽ có động lực để thực hiện.
Vai trò của bố mẹ như thế nào trong việc định hướng, tư vấn, giáo dục con về tiền, thưa bà?
Tôi nghĩ cách thức định hướng như nào là tùy thuộc vào từng gia đình. Ví dụ khi bố mẹ muốn dạy con cách thức làm cho đồng tiền sinh lãi thì bố mẹ có thể chơi trò chơi giả định với con. Bố mẹ đóng vai là ngân hàng, tất cả tiền tiết kiệm, mừng tuổi của con, con có thể gửi bố mẹ và lấy lãi. Con có thể ghi chép lại những điều này.
Đây giống như một trò chơi nhưng lại liên quan tới tính toán và con thấy tiền nó có sinh lãi. Hoặc là ví dụ những đồ chơi con được mua nhiều nhưng con thấy không thích nữa, con có thể chia sẻ với các bạn khác thông qua các hội chợ tại trường học của con hay công ty của bố mẹ để có một khoản tiền nhất định. Đấy cũng là một cách thức để giáo dục con về tiền.
Xin trân trọng cám ơn bà!