Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100 mét đạt khoảng 9-10 m/s và khu vực tiềm năng nhất là miền nam Trung bộ.
Có lẽ cũng bởi nhìn thấy tiềm năng nay mà tới nay, Bộ Công thương đã nhận được đề nghị làm các dự án điện gió ngoài khơi lên tới công suất 129.000 MW.
Theo ông An, với cam kết đạt net zero vào 2050 của Việt Nam mới đây, sắp tới sẽ có lộ trình chi tiết cho các ngành, trong đó năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
“Hiện Bộ Công thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó dự kiến sẽ phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng lên 40.000 MW vào năm 2045”, ông An nói và cho hay, nếu điều kiện cho phép thì có thể tăng trưởng sớm hơn.
Dẫu vậy, Bộ Công thương cũng lưu ý rằng, cơ hội luôn đi kèm thách thức, bởi điện gió ngoài khơi là vấn đề mới mẻ, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách hay hạ tầng hay phải đáp ứng được mục tiêu đủ điện cho người dân với chi phí hợp lý.
Hội thảo lần này do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng năng lượng Gió toàn cầu tổ chức, có sự tham gia trực tiếp của trên 70 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương cùng một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm tới phát triển điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó còn có 400 đại biểu trong và ngoài nước tham gia qua hình thức trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn đối thoại cởi mở giữa các đại biểu trong và ngoài nước để cùng tìm các giải pháp, cơ chế đột phá để phát triển ngành, gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.