Sức khỏe doanh nghiệp
Doanh nghiệp 4 ngày tuổi chi 28 triệu USD mua 60% vốn hãng bột giặt 50 năm tuổi
Thanh Thủy - 24/12/2019 13:55
Doanh nghiệp 4 ngày tuổi Masan HPC sẽ chi khoảng 28 triệu USD để mua 60% vốn NETco - doanh nghiệp ngành hàng bột giặt hơn 50 năm tuổi.

CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH) vừa cho biết Masan HPC -đã đưa ra đề nghị chào mua công khai tối đa 60% cổ phần của Công ty Cổ phần Bột giặt Net (mã NET) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 12% so với giá đóng cửa ngày 24/12. Ước tính số tiền mà Masan HPC cần chi ra là 645 tỷ đồng, tương đương gần 28 triệu USD. Dự kiến, giao dịch sẽ hoàn thành trong 2 tháng theo quy định chào mua.

Masan HPC vừa được thành lập thuộc ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình. Đây là động thái mới nhất của công ty này sau khi công bố thỏa thuận sáp nhập với CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty VinEco thuộc Vingroup để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam. 

Công ty có tuổi đời thành lập chỉ vỏn vẹn 4 ngày thực hiện thương vụ M&A đầu tiên với một doannh nghiệp hơn 50 năm tuổi. “NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Với 300.000 điểm bán hàng, sự kết hợp giữa Masan và NETco sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng mang đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số”, thông báo của Masan Consumer nhấn mạnh. Ngoài ra, phía Masan cũng cho biết chiến lược 5 năm của doanh nghiệp này hướng đến mở rộng danh mục sản phẩm, trong đó chăm sóc cá nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực lớn nhất với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD.

NETco đang sản xuất bột giặt, nước rửa tay, nước xả vải, nước lau sàn

NETco hiện đang giữ 1,5% thị phần ngành bột giặt, trong khi Unilever nắm giữ thị phần số 1 với  54,9%. Trong cơ cấu hiện tại, cổ đông lớn nhất của NETco là Tập đoàn Hóa chất với tỷ lệ 36%. Để sở hữu 60% vốn, Masan HPC cần phải mua gom thêm từ các cổ đông nhỏ lẻ trên thị trường.  

Theo ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Masan Consumer, ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình tại Việt Nam vẫn còn rất sơ khai khi so sánh với nhiều thị trường phát triển khác. “Phát triển các sản phẩm vượt trội” và “xây dựng những thương hiệu truyền cảm hứng” là điều Masan Consumer cùng với các doanh nghiệp nội địa tự tin có nhiều ưu thế.

Thông qua nhiều thương vụ M&A và phát triển tự thân, Masan Consumer đã  bước chân vào 6 ngành hàng tiêu dùng: thực phẩm tiện lợi; gia vị, nước sốt; cà phê; nước đóng chai; đồ uống và thực phẩm tiện lợi. Các thương vụ M&A đình đám trước đây có thể kể đến như mua 50,22% Vinacafé Biên Hòa năm 2011; 24,9% vốn Nước khoáng Vĩnh Hảo năm 2013; gần 33% vốn Cholimex Food năm 2014; 99,99% vốn Saigon NuitriFood và 65% Nước khoáng Quảng Ninh năm 2015... Sau nhiều lần mua thêm vốn, công ty này hiện đang sở hữu tới 98,49% vốn Vinacafé Biên Hòa và 88,56% vốn Vĩnh Hảo.

Tính đến 30/9/2019, quy mô tổng tài sản của Masan Consumer hiện đã tăng lên 19.274 tỷ đồng, Hàng quỹ thu về 800-900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mục tiêu lợi nhuận mà công ty đề ra cho năm 2019 là 4.050-4.200 tỷ đồng. Sau 3/4 năm, con số lợi nhuận mới hoàn thành 62% kế hoạch đề ra. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu NET của NETco tăng kịch trần, trong khi, giá cổ phiếu MCH lại giảm nhẹ 400 đồng, còn 71.500 đồng.

Tin liên quan
Tin khác