Thị trường Việt Nam hấp dẫn như thế nào đối với các nhà bán lẻ nước ngoài, thưa ông?
Với số dân trên 93 triệu người, kinh tế luôn tăng trưởng khá trong nhiều năm, sức mua của người dân tăng mạnh, thương mại hiện đại mới chiếm khoảng 25-27%, thị trường bán lẻ Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là còn nhiều tiềm năng. Trên thị trường hiện nay, ngoài những tập đoàn bán lẻ đã vào từ hàng chục năm trước và tiếp tục đầu tư thêm, thời gian gần đây, đã xuất hiện thêm những nhà bán lẻ mới có quy mô lớn hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch Saigon Co-op |
Trong bối cảnh đó, về phía các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, cả của Nhà nước và tư nhân, có thể thấy một bức tranh ngược lại. Họ ngày càng thu hẹp và dần rút lui khỏi thị trường thông qua chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần cho các đối thủ nước ngoài.
Đây là mối đe dọa lớn cho hệ thống phân phối nội địa, nhất là khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo ông, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần làm gì để đối phó với làn sóng thâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài?
Lúc này mới tính chuyện ứng phó thì đã quá chậm. Chúng ta đáng lẽ phải làm việc này từ nhiều năm trước, trong khi lại để doanh nghiệp trong nước tự bơi. Rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn, kể cả các doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường. Họ không có sự chuẩn bị cho việc đối phó với làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài ập vào Việt Nam. Chính điều này đã dẫn đến việc thị phần của các doanh nghiệp trong nước ngày càng thu hẹp.
Hiện nay, biện pháp duy nhất mà các doanh nghiệp nội địa cần làm là liên kết lại với nhau, đồng thời phải có doanh nghiệp thủ lĩnh để tập hợp các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia cần phải tự nguyện hợp tác, nếu chỉ là liên kết theo hình thức, thì chắc chắn sẽ thất bại. Họ phải hiểu rằng, liên kết là tự cứu mình, vì nguy cơ đang hiện hữu cực kỳ rõ ràng.
Để hạn chế sự thâm nhập của các nhà bán lẻ nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra Nhu cầu kiểm tra kinh tế (ENT) như một rào cản. Nhưng thời gian qua, dường như rào cản này là không có nhiều tác dụng vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn mở rất nhiều điểm bán lẻ trên cả nước một cách dễ dàng?
Thực tế chỉ ra rằng, từ khi đặt ra ENT năm 2007, chúng ta chưa phát huy hiệu quả rào cản này. Chúng ta thiếu sự kiểm soát tập trung, trong khi lại phân cấp cho các địa phương thu hút đầu tư. Các địa phương lại khát khao thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do vậy, ENT thực ra chỉ là lý thuyết và hầu như không thực hiện được.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu rất rõ về ENT và họ có các giải pháp ứng phó rất hữu hiệu, như liên kết với doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, vai trò của họ trong doanh nghiệp liên doanh là khiêm tốn. Nhưng trên thực tế, họ đã có lộ trình để mở rộng vai trò trong vài năm và sẽ mua dần doanh nghiệp trong nước.
Ông hình dung thị trường bán lẻ Việt Nam trong vòng 3-5 năm nữa sẽ thế nào?
Không cần phải nhìn xa, chỉ cần trong thời điểm hiện nay, chúng ta đã thấy làn sóng các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh. Nếu BigC rơi vào tay người Thái, thì người Thái sẽ là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chứ không phải là Saigon Co-op. Thậm chí, với tốc độ mở rộng hoạt động tại Việt Nam như hiện nay, AEON cũng sẽ nhanh chóng rút ngắn khoảng cách và vượt qua Saigon Co-op. Thời gian tới, các nhà bán lẻ hàng đầu sẽ là doanh nghiệp nước ngoài.