Công ty EY Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm- Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo thường niên với chủ đề “Hướng tới hoạt động ưu việt”. Theo ông Prajeesh Mukundan, Phó tổng giám đốc phụ trách Tư vấn ngành bảo hiểm, EY Ấn Độ, một trong những hạn chế của các công ty bảo hiểm ở Việt Nam nói riêng, các nước đang phát triển nói chung là các quy trình vẫn mang nặng tính thủ công, dẫn tới khó kiểm soát gian lận.
“Các chốt kiểm soát cần thiết chưa được triển khai, dẫn tới các thách thức lớn về quản trị rủi ro, gian lận,. Việc chuyển đổi tinh gọn theo phương pháp 6 Sigma và ứng dụng phân tích dữ liệu thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế bớt các rủi ro này”, ông Prajeesh Mukundan nói.
Lãnh đạo nhiều công ty bảo hiểm cho hay, ngành bảo hiểm cần rất nhiều dữ liệu đầu vào để kiểm soát gian lận. Hiện nay có tình trạng là nhiều đại lý có tỷ lệ bán bảo hiểm rất cao, song tỷ lệ hủy hợp đồng lại lên tới 80%- trong khi hoa hồng đã được công ty chi trả cho đại lý. Các trường hợp có dấu hiệu gian lận như vậy có thể giảm nếu áp dụng mô hình phân tích dữ liệu thông tin. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm trong ứng dụng công nghệ phân tích thông tin hiện nay là trang bị công nghệ, bởi điều này đồng nghĩa với việc tăng chi phí.
Ông Robert Laskko, Giám đốc tài chính Công ty bảo hiểm Toàn cầu (GIC) thừa nhận: “Chúng tôi đã đi được nửa chặng đường tối ưu hóa, đã đầu tư công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình của mình. Tuy nhiên, quá trình cắt giảm này cũng có nhiều đau đớn. Các doanh nghiệp khi chuyển đổi tinh gọn, ứng dụng phân tích thông tin cần cân nhắc kỹ mục đích của mình. Nếu muốn có kết quả dài hạn thì nên đầu tư, không nên chạy theo thời thượng”, ông Robert nói.
Trong khi đó, đại diện BIDV Metlife cho rằng, việc chuyển đổi tinh gọn, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu thông tin chắc chắn sẽ giúp hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn, song với quy mô của các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cần cân nhắc bỏ ra vài tiệu USD để trang bị công nghệ phân tích dữ liệu.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp, đại diện EY cho rằng, việc chuyển đổi tinh gọn theo phương pháp 6 Sigma có thể áp dụng ngay cả với các quy trình thủ công. Ngoài ra, nếu muốn áp dụng phân tích dữ liệu, doanh nghiệp không cần trang bị hoàn hảo hệ thông công nghệ ngay từ đầu mà có thể làm từng bước một, ưu tiên những khâu cần kíp nhất.
Cũng theo các chuyên gia bảo hiểm, việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu cũng giúp doanh nghiệp bảo hiểm sớm khai phá được kênh bán hàng số, thay vì phụ thuộc vào mạng lưới môi giới, đại lý như hiện nay.
Về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tin tưởng, bảo hiểm điện tử nếu làm tốt sẽ giúp giảm chi phí cho khách hàng (doanh nghiệp không mất chi phí hoa hồng môi giới, từ dó có thể giảm phí), từ đó thúc đẩy bảo hiểm phát triển. Tuy nhiên, vấn đề mà doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải hiện nay là chưa có quy định pháp lý cho các hợp đồng bảo hiểm điện tử. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dân sự, hợp đồng bảo hiểm phải thực hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bảo hiểm có đề xuất thì tập hợp số liệu gửi lên Bộ Tài chính để Bộ xây dựng các văn bản về bảo hiểm điện tử.
Cũng theo ông Khánh, tính đến hết tháng 10 năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 69.048 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng thời gian năm ngoái, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 30.665 tỷ đồng (tăng 14%); doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 38.383 tỷ đồng (tăng 30%).
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm đạt 237.426 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng thời gian năm ngoái, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 67.796 tỷ đồng (tăng 7,52%), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 169.630 tỷ đồng (tăng 29,5%).
Trong 10 tháng, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 186.013 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng thời gian năm trước.