Trong tương lai không xa, ngành bảo hiểm sẽ có thể cán mốc doanh thu 100.000 tỷ đồng |
Động thái này hé lộ khi xu hướng đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm đang gia tăng mạnh mẽ. Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ tài chính), tổng số vốn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt tới 185.772 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2015). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.449 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 151.323 tỷ đồng.
Các số liệu tăng trưởng về đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, nguồn lực vốn từ các đại gia này đang trên guồng tăng tốc đáng quan tâm. Bởi lẽ, tốc độ tăng trưởng đầu tư ước tính của năm 2016 đã tăng 1,3 lần so với năm trước. Năm 2015, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 150.443 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2014. Nếu so với với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính trong năm 2016 khoảng 6%, thì nguồn lực tăng trưởng đầu tư của khối doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang ở mức khá cao.
Trong khi đó, nguồn lực của các đại gia bảo hiểm cũng đang tỏ ra khá dồi dào. Đến nay, tuy năm 2016 chưa kết thúc, nhưng các con số ước tính về các chỉ số kinh doanh đều khá lạc quan. Dự tính, hết năm 2016, tổng doanh thu ngành bảo hiểm (gồm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ) ước đạt con số 85.491 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 239.193 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015.
Điều đáng chú ý là, trong khi doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng tốt thì số tiền chi trả bảo hiểm cả năm 2016 lại giảm 1% so với năm 2015. Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân giúp tỷ lệ đền bù giảm trong năm 2016, do các doanh nghiệp bảo hiểm đã kiểm soát tốt hơn tình trạng trục lợi bảo hiểm. Chính vì nhờ kiểm soát được tỷ lệ đền bù, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã được tích lũy đáng kể, ước đạt 144.557 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2015).
Năm 2017 được kỳ vọng sẽ có nhiều cú nhảy ngoạn mục, bởi nhiều sản phẩm mới có thể mang lại doanh thu lớn có thể sẽ được “bung hàng”. Ông Ngô Trung Dũng cho biết, một sản phẩm tiềm năng rất lớn đang được giới kinh doanh kỳ vọng, các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể là bảo hiểm tài sản công. Ngoài ra, bảo hiểm thiên tai cũng là sản phẩm có thể đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Theo ông Dũng, tại Việt Nam, thiên tai là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Do đó, thời gian qua Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), triển khai nghiên cứu Dự án bảo hiểm rủi ro thiên tai và có khả năng sản phẩm bảo hiểm này sẽ sớm được phổ cập trong tương lai.
Trong khi đó, để đón bắt những cơ hội lớn từ thị trường, các đại gia ngành bảo hiểm cũng đang có những chuẩn bị khá bài bản về công nghệ. Động thái gần đây nhất là việc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt vừa bắt tay với Công ty Audatex để đưa các giải pháp phần mềm vận hành và quản lý chất lượng bồi thường bảo hiểm xe cơ giới. Audatex là nhà cung cấp phần mềm về các giải pháp bồi thường bảo hiểm xe cơ giới hàng đầu thế giới. Audatex hiện nắm giữ cơ sở dữ liệu của 99% mẫu xe ô tô trên thế giới và giải pháp phần mềm sáng tạo của Audatex trong giải quyết bồi thường bảo hiểm xe cơ giới có thể đáp ứng cho nhiều thị trường khác nhau.
Trong bối cảnh này, việc duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 20%/năm là khả thi và trong tương lai không xa, ngành bảo hiểm sẽ có thể cán mốc doanh thu 100.000 tỷ đồng (chưa kể doanh thu từ đầu tư).