Thông tin này đã làm nóng bầu không khí của hội thảo “Diễn đàn thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn”, tổ chức tại Hà Nội trong ngày 1/11.
Ông Phạm Tuấn Anh đến từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết quỹ là một tổ chức tài chính Nhà nước, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối tượng được cho vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là tổ chức, cá nhân có các dự án đầu tư thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; dự án đầu tư thực hiện việc phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường mang tính quốc gia, liên ngành, liên vùng hoặc giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ nhưng có phạm vi ảnh hưởng lớn.
Ông Tuấn Anh chia sẻ rằng nguồn vốn tối đa một dự án có thể nhận là 36,6 tỷ đồng và chủ đầu tư là 73,2 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi 2,6%/năm. Đặc biết mức lãi suất này duy trì trong suốt thời gian vay vốn, với độ dài tối đa là 10 năm.
Trong hơn 20 năm thành lập, quỹ đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tập trung vào thiết bị và các hạng mục xây dựng chính của mỗi dự án. Lượng vốn giải ngân, theo ông Tuấn Anh, tương đương 70% tổng mức đầu tư trước thuế của dự án.
Với lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn, ông Tuấn Anh gợi ý một số dự án có thể vay vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam như sản xuất điện, sản xuất năng lượng tái tạo từ khí biogas, sản xuất phân bón hữu cơ hay than sinh học từ chất thải vật nuôi,…
Hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để phân loại các dự án xanh. Khi được xác nhận là dự án xanh, bên cạnh nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các dự án có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ phía các ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại, cũng như phát hành trái phiếu xanh.
Được biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, có rất nhiều chương trình, chính sách cụ thể được đưa ra, góp phần vì một Việt Nam xanh hơn. Trong đó, Việt Nam đang tích cực triển khai sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp.