VinShop đang kiến tạo tham vọng tỷ USD từ những cửa hàng tạp hóa truyền thống |
Tìm kiếm và xử lý “nỗi đau” cho khách hàng
Fundiin - một trong những công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp mua trước trả sau hàng đầu Việt Nam, đã gọi thành công số vốn lên gần 7 triệu USD sau 4 năm hoạt động. Nguyễn Ảnh Cường - CEO Fundiin tin rằng, mua trước trả sau là thị trường quá nóng, không thể bỏ qua đối với các ngân hàng và công ty tài chính tại Việt Nam.
Gần đây, việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Sendo, Tiki, Shopee... đồng loạt tích hợp mua trước trả sau. Trong khi Lazada có động thái vào cuộc ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, nhiều khả năng sẽ gồm cả Việt Nam trong thời gian tới. Đó là những tín hiệu để thấy giải pháp mua trước trả sau đang trở nên chính thống.
Điều này cũng cho thấy, mua trước trả sau là mảng rất sôi động, giúp Fundiin ngày càng lớn mạnh.
Theo Nguyễn Ảnh Cường, năm 2023 là năm rất thú vị với mua trước trả sau, thậm chí có thể là “điểm bùng phát” tại Việt Nam. Lãi suất tăng và suy thoái có thể khiến thu nhập người dân giảm xuống và nhiều người thất nghiệp hơn, có thể nhu cầu mua sắm giảm xuống và lĩnh vực tài chính tiêu dùng bị ảnh hưởng khá lớn, cùng lúc rủi ro nợ xấu cao hơn, nhưng ngược lại, nhu cầu đối với mua trước trả sau lại tăng lên.
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua.
Năm 2022, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế số ở Đông Nam Á, với mức tăng 28% so với năm 2021, từ 18 tỷ USD lên 23 tỷ USD. Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng nhanh gấp hai lần GDP cho đến năm 2030 (19% so với 9%).
Nếu kiểm soát tốt chi phí, đây là cơ hội để Fundiin mở rộng nhanh hơn mà tốn ít nguồn lực kết nạp thêm người dùng và các đối tác bán hàng. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm nhiều đơn vị lớn trong lĩnh vực trực tuyến như sàn thương mại điện tử, giao đồ ăn đồng loạt tích hợp mua trước trả sau. Thậm chí, các đơn vị bán hàng trực tiếp lớn cũng chọn triển khai, sau khi các công ty nhỏ hơn đã làm.
Hay như VinShop (thuộc One Mount) đang kiến tạo tham vọng tỷ USD từ những cửa hàng tạp hóa truyền thống của Việt Nam tại mỗi góc phố, con đường.
Ứng dụng VinShop ra mắt thị trường đúng giai đoạn đại dịch Covid-19, các thành phố lớn trên cả nước bị phong tỏa, hạn chế đi lại. Trong thời kỳ mà cách thức kinh doanh không tiếp xúc trở nên cấp thiết, tên tuổi này đã nhanh chóng tổ chức hoạt động vận hành, nguồn hàng, xây dựng và ứng dụng các giải pháp công nghệ để đảm bảo luồng hàng hóa thông suốt cho các chủ tiệm tạp hóa trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Vũ Quang Tùng, Giám đốc Khối chiến lược One Mount - tập đoàn sở hữu ứng dụng VinShop khẳng định, VinShop đã nhanh chóng giúp thay đổi cách kinh doanh vận hành của các chủ tiệm tạp hóa từ offline đến online. Covid-19 đã cho thấy mọi thứ có thể tiến hóa nhanh như thế nào. Nhờ VinShop, nhiều chủ tiệm tạp hóa lần đầu tiên trong đời dùng smartphone để đặt hàng.
Hiện VinShop đã số hóa được hơn 100.000 tiệm tạp hóa ở hơn 20 tỉnh, thành phố, cung ứng hàng ngàn tấn hàng mỗi ngày đến các chủ tiệm tạp hóa. Nhiều thời điểm, VinShop ghi nhận tăng trưởng 49% GMV (tổng lượng hàng hóa) mỗi tháng, giá trị đơn hàng trung bình của các tiểu thương cũng tăng đến 51%/tháng.
Mặc dù vậy, vấn đề hạn chế tiếp xúc với các nền tảng công nghệ là rào cản mà VinShop gặp phải khi tiếp cận với các tiệm tạp hóa tại vùng nông thôn vì tâm lý sợ lừa đảo.
“Việc thuyết phục và hướng dẫn tiểu thương sử dụng công nghệ cũng là một khó khăn. Những người bán hàng tạp hóa đa phần ở độ tuổi không còn trẻ. Để họ hiểu và sử dụng công nghệ nhằm mang lại giá trị lợi ích là cả một quá trình”, ông Tùng chia sẻ.
Mấy năm qua, nhiều người biết đến Jio Health - mô hình chuyên cung cấp hệ sinh thái dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dùng ở Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, để có được vị thế đó, Jio Health phải trải qua hành trình dài của những thử nghiệm và sai lầm.
Ông Raghu Rai tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư y sinh, mong muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, nhưng không thành công. Năm 2015, ông đến Việt Nam và nhìn ra nhiều cơ hội khi chứng kiến các bệnh viện quá tải, bệnh nhân mất hàng giờ đồng hồ xếp hàng để gặp bác sỹ trong vài phút. Tuy nhiên, nhìn ra “nỗi đau thị trường”, hiểu nhu cầu người dùng không đồng nghĩa với việc dễ dàng xây dựng một mô hình sản phẩm phù hợp. Lúc đầu, Jio Health hướng đến mô hình thuần công nghệ, chẳng hạn làm phần mềm cho các phòng khám số hóa hoạt động của họ, nhưng không thành công.
Ông Raghu Rai cho rằng, công nghệ không phải điều cốt lõi để giải quyết vấn đề ở lĩnh vực này. Bệnh nhân không chỉ muốn một giải pháp công nghệ, mà muốn nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo ông, đối với lĩnh vực này, các dịch vụ như giải pháp chẩn đoán từ xa rất khó được đón nhận. Tâm lý người dùng Việt mong muốn dịch vụ hữu hình, có sự kết nối với bác sỹ. Vì vậy, sau nhiều thử nghiệm, năm 2018, Jio Health ra mắt dịch vụ khám sức khỏe tại nhà, kết nối bệnh nhân với bác sỹ.
Khác với hành trình khởi nghiệp của CEO Jio Health, khi hiểu “nỗi đau thị trường”, bà Linh Phạm - CEO của Logivan nhanh chóng xây dựng mô hình sản phẩm phù hợp. Khi du học Anh trở về và giúp quản lý kinh doanh riêng cho gia đình, nữ doanh nhân này nhìn ra thực tế 90% công ty vận tải có dưới 10 xe tải và đến 70% xe trống (không chở hàng hóa) ở chặng về. Từ đó, bà Linh xây dựng mô hình kinh doanh giúp các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa kết nối với các chủ xe tải qua một ứng dụng.
Lúc đầu, công ty chỉ phục vụ những khách hàng ngắn hạn, sau đó mở rộng ra kết hợp với những công ty lớn hơn tại Việt Nam. CEO Linh Phạm cho rằng, công nghệ có vai trò lớn trong ngành vận tải và là thế mạnh cạnh tranh của Logivan.
Khi xây dựng Logivan, một trong những thử thách lớn nhất là phát triển đội ngũ nhân sự gặp nhiều trở ngại do thiếu mối quan hệ và không thể tìm kiếm được các cộng sự cao cấp muốn gắn bó lâu dài. Để phát triển nhân sự, mỗi ngày, người điều hành phải chia sẻ về tầm quan trọng của giải pháp công ty đang cung cấp.
Con đường đổi mới khiến ông lớn lung lay vị thế
Sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… đã dần thay thế và làm lung lay các tập đoàn, doanh nghiệp truyền thống. Điều này giúp đổi mới sáng tạo có những bước nhảy vọt.
Trên thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp với đột phá lớn về công nghệ, xe hơi như Google, Microsoft hay Tesla… có quá trình chuyển đổi số thành công mà các đối thủ không theo kịp. Bắt đầu từ những ý tưởng kinh doanh của mình, họ liên tục đổi mới sáng tạo. Khi các đối thủ cạnh tranh phát hiện ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo của họ sẽ không thể theo kịp vì đã đi sau 5-7 năm.
Theo tỷ phú Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới, gần đây, các doanh nghiệp, tập đoàn, những nhà đột phá lớn trong làng công nghệ thế giới đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi những ý tưởng đột phá mới. Điển hình là trường hợp Google nhiều năm đứng đầu và không có đối thủ trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm, nhưng gần đây đang bị đe dọa trước sự xuất hiện của công cụ thông minh AI mới ChatGPT. Hoặc như trường hợp ông chủ Công ty Tesla từng khẳng định không có công nghệ và xe nào có thể sử dụng hydro, nhưng đến nay, hãng này đã tuyên bố sẽ sản xuất các loại xe dùng nhiên liệu này.
Dù nhận thức đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp vươn lên, song không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được cơ hội này. Theo thống kê, 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế, nên việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ rất khó.
Chia sẻ kinh nghiệm, lộ trình và khuyến nghị doanh nghiệp để hiện thực hóa đổi mới sáng tạo, ông Axel Schultze nêu ra 10 nguyên tắc trọng yếu giúp đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thành công. Đó là sự cam kết từ lãnh đạo điều hành, nguồn gốc đổi mới sáng tạo, định nghĩa rõ ràng, lập ngân sách cho đổi mới sáng tạo, lên ý tưởng, xây dựng đội ngũ triển khai, tạo lập văn hóa đổi mới sáng tạo; xác định thị trường, thực thi ý tưởng và dữ liệu cho đổi mới sáng tạo.
Với mỗi doanh nghiệp, điểm quan trọng nhất cần phải chú trọng là thu thập và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh. “Nền tảng đổi mới sáng tạo đầu tiên của doanh nghiệp tỷ USD chúng tôi bắt đầu từ thu thập dữ liệu khách hàng. Việc thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng sẽ mang đến thành công cho doanh nghiệp”, ông Axel Schultze nói.
Bà Phan Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - CEI (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, để thực hiện đổi mới sáng tạo, có 4 mô hình phổ biến mà các doanh nghiệp đang áp dụng là: mở nhóm đổi mới sáng tạo nội bộ, thuê tư vấn đổi mới sáng tạo, kết hợp cùng các công ty khởi nghiệp và hợp tác với các trường đại học.
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade chia sẻ, về bản chất, đổi mới sáng tạo là một vòng tròn đi lên. Hoạt động sáng tạo chính là tìm kiếm để xử lý “nỗi đau” cho khách hàng. Trên con đường xử lý nỗi đau cho khách hàng, doanh nghiệp cũng phải khơi gợi nỗi đau khác.
Còn theo ông Trần Hoàng Thắng, quản lý chương trình đổi mới sáng tạo USAID IPSC, đổi mới sáng tạo không nhất thiết là phải nghĩ ra sản phẩm, dịch vụ mà thế giới chưa từng có. Có thể trên thế giới họ làm rồi, nhưng Việt Nam chưa có, nếu doanh nghiệp bắt tay làm ở Việt Nam cũng được coi là đổi mới sáng tạo.
Bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước nhảy vọt trong số các nền kinh tế top đầu ASEAN. Đây là lý do hoàn hảo để doanh nghiệp lớn tăng tốc đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội đồng hành cùng start-up để bắt kịp với các thay đổi hiện nay.
Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc điều hành Viet Research nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, mà còn là đòn bẩy kích thích cho quá trình đổi mới sáng tạo chung của cả đất nước. Thực tế, hệ sinh thái này vẫn cần sự hỗ trợ của những “ông lớn” có nhiều kinh nghiệm thị trường.
“Chúng ta mới chỉ nhìn thấy những thành tựu đột phá của các start-up, mà không biết những thất bại khác, có khi vấn đề lại nằm trong tầm giải quyết của những doanh nghiệp lâu năm. Ưu điểm của start-up là động lực mãnh liệt, nhưng nhược điểm lại có quá nhiều như thiếu kinh nghiệm triển khai, hệ thống đánh giá và điều chỉnh theo thị trường, đòn bẩy tài chính, marketing và cả chính sách đảm bảo an toàn… Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên đồng hành, kết hợp cùng start-up để nhanh chóng bắt kịp với thời đại biến đổi không ngừng hiện nay”, ông Tiến nêu quan điểm.