Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước sẽ cắt giảm được chi phí khi nhiều thủ tục không cần thiết, trùng lặp đã bị loại bỏ.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh |
Nghị định 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực ngay tại ngày ký (15/10/2020). Đã có những thay đổi thế nào trong quy trình khởi sự kinh doanh, thưa ông?
Doanh nghiệp sẽ nhận thấy ngay các tác động khi thủ tục khởi sự kinh doanh chỉ còn 6 ngày với 3 thủ tục, thay vì 16 ngày và 8 thủ tục.
Cụ thể, thay vì thực hiện 4 thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in một cách riêng lẻ tại 4 cơ quan khác nhau, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục duy nhất tại 1 cơ quan đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc tích hợp các thông tin về tổng số lao động (dự kiến) tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, phương thức nộp bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in vào quy trình đăng ký doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm đáng kể khối lượng thông tin, biểu mẫu phải kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Việc liên thông, trao đổi thông tin qua mạng điện tử giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng làm giảm số lượng đầu mối cơ quan nhà nước tiếp nhận và trả kết quả. Doanh nghiệp sẽ chỉ cần nộp hồ sơ kê khai các thông tin tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thay vì nộp hồ sơ tại 4 cơ quan như hiện nay (cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế).
Còn phía cơ quan quản lý nhà nước, có thể thấy, công việc cũng giảm đi khá nhiều?
Thông qua việc tích hợp, liên thông, xây dựng cơ chế một cửa, chia sẻ thông tin qua mạng điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước có thể giảm bớt chi phí về thời gian, nhân lực tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Nhưng, các giải pháp được đưa ra tại Nghị định không bãi bỏ các thủ tục, thông tin cần thiết cho việc quản lý nhà nước của từng ngành, mà chỉ lược bỏ những thông tin bị trùng lặp và tập trung tích hợp các thủ tục có sự tương đồng, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngoài ra, Nghị định cũng tạo cơ chế để các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo sự minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Phải nói rõ, mục tiêu xây dựng Nghị định 122/2020/NĐ-CP là một mặt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành.
Có thể hình dung quy trình khởi sự kinh doanh sau khi Nghị định này có hiệu lực thế nào, thưa ông?
Việc tích hợp 4 thủ tục nêu trên có thể rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Cụ thể là: thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp; sử dụng hóa đơn tự in, đặt in; khai trình việc sử dụng lao động; đăng ký mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được thực hiện trong thời hạn 3 ngày (đúng thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp), thay vì 13 ngày như hiện nay.
Bước đề nghị mua hóa đơn của doanh nghiệp vẫn được thực hiện tại cơ quan thuế trong 2 ngày.
Ngoài ra, theo các quy định hiện hành, việc nộp lệ phí môn bài không còn thuộc quy trình khởi sự kinh doanh. Còn từ ngày 1/1/2021, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, thủ tục thông báo mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh cũng bãi bỏ.
Với quy trình này, Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) năm tới chắc sẽ có bước tiến lớn. Ông nghĩ thế nào?
Nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả xếp hạng về Chỉ số khởi sự kinh doanh còn thấp (115/190 năm 2020) là các cơ quan quản lý nhà nước vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin trùng lặp hoặc không cần thiết, tạo gánh nặng về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Một số thủ tục trong quy trình gia nhập thị trường còn chưa hợp lý, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin, liên thông thủ tục giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Tất nhiên, cũng phải nói đến tốc độ cải cách của Việt Nam còn chậm so với các nước trên thế giới khi đánh giá chỉ số này của Việt Nam.
Với quy trình khởi sự kinh doanh theo Nghị định 122/2020/NĐ-CP, theo tôi, việc giảm bớt số lượng thủ tục, hồ sơ, chi phí, thời gian thực hiện thủ tục gia nhập thị trường sẽ cải thiện thứ hạng Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam.