Tin tốt nhiều dần
“Đồng cỏ nuôi bò của chúng tôi có thể sẽ không phải làm quy hoạch chi tiết như công trình xây dựng nữa”, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình hồ hởi thông báo sau khi trở về từ Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (ngày 18/12) tại TP.HCM.
Điều này đồng nghĩa với việc 3 dự án của Công ty với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (đó là Dự án Khu Liên hợp trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất thực phẩm theo cơ chế phát triển sạch tại Thung Cả, xã Sủ Ngòi; Dự án Khu Liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp và trại bò giống chất lượng cao tại xóm Chiềng Yên, xã Yên Mông, đều tại TP. Hòa Bình, cùng Dự án Đầu tư trang trại chăn nuôi bò cao sản xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) có thể sẽ nhanh trở lại trong năm 2017. Hiện các dự án này đang bị chậm do quy định liên quan đến yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500.
Trang trại Khu liên hợp chăn nuôi và trồng trọt theo cơ chế sạch - công nghệ cao của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình |
“Quá khó khi bắt chúng tôi phải thực hiện quy hoạch 1/500 với các dự án chủ yếu là đồng cỏ, diện tích trồng trọt vùng nguyên liệu thức ăn cho gia súc. Phần đất này chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu, nên để thực hiện các yêu cầu đấu nối của quy hoạch chi tiết 1/500, chi phí sẽ rất lớn và quan trọng là không cần thiết”, ông Thắng lý giải.
Hơn nữa, dự án còn vướng một số diện tích chưa giải phóng được, nằm lỗ chỗ nên không thể khoanh vùng để triển khai. “Với quy trình hiện nay là doanh nghiệp phải tự thoả thuận với các hộ dân trước, sau đó cơ quan thẩm quyền mới ra thông báo thu hồi đất, chúng tôi không có căn cứ pháp lý để làm việc với hộ dân”, ông Thắng nói thêm.
Trong văn bản mà ông Thắng đã trực tiếp mang tới Hội nghị hôm 18/12 trên, ông đã đề nghị Chính phủ cho phép các dự án nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt không phải thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500, nếu cần chỉ thực hiện với các hợp phần xây dựng trên 10 ha trong dự án. Trước đó, ông đã gửi ý kiến này tới cả tỉnh Hòa Bình và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tất nhiên, cũng không phải một mình Công ty cổ phần T&T 159 kêu khó. Cách đây 1 tháng, các doanh nghiệp Hà Nội khi bàn về cơ hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng đã có kiến nghị tương tự. Thậm chí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị đứng ra kiến nghị sửa đổi thay doanh nghiệp.
“Tôi biết là Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch làm việc để xem xét các quy định trên. Chúng tôi cũng đang chờ các bộ, ngành thực thi chỉ đạo về gói tín dụng dành cho nông nghiệp, yêu cầu tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất… của Thủ tướng Chính phủ”, ông Thắng chia sẻ.
Kiến tạo rõ nét
Ông Thắng gọi những thông tin ông có được là tin tốt của Chính phủ kiến tạo. Theo ông và nhiều doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo không chỉ tạo ra luật chơi, mà cần phải định hướng, dẫn dắt sự phát triển.
“Chỉ có cách này mới khơi thông được các nguồn lực trong nền kinh tế. Tôi tin là năm 2017 sẽ đặt nền móng cho sự phát triển mới của ngành nông nghiệp, khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân vào nông nghiệp”, ông Thắng nói.
Song, đây lại là đòi hỏi thay đổi rất lớn trong tư duy của những người đang được giao vai kiến tạo. Thực tế lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thường trông vào những việc tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp hơn là mong nhìn thấy giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…
Trong năm 2016, doanh nghiệp vẫn chưa hết những chông gai mà họ đã phải cố vượt qua để đưa các kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thủ tục thông quan hàng hóa tới các cuộc họp Chính phủ, nhưng kết quả chỉ mới nhỏ giọt, đến mức cuối năm nhìn lại, việc Bộ Công thương quyết định bãi bỏ Thông tư 37/TT-BCT về formaldehyt lại là một điển hình tốt, nhưng hiếm trong việc thực hiện Nghị quyết 19-2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Song, tin tốt về sự thay đổi thực sự đang nhiều dần lên vào cuối năm và chắc chắn rơi vào năm 2017, khi nhiều cam kết sẽ sửa đổi được đặt lịch vào năm này.
Cũng như ông Hà Văn Thắng, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương cũng đang đặt trọn niềm tin vào cam kết không để doanh nghiệp cô đơn trong hội nhập của đại diện Bộ Công thương, cũng như Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).
Sao Thái Dương đang rơi vào tình thế khó khi 1 tháng trước, trong cuộc họp của Ủy ban Tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng ASEAN (ACCSQ), quyết định cấm một hoạt chất có trong sản phẩm của công ty đã được thông qua và có hiệu lực thực thi ngay. Thiệt hại tính nhanh của Công ty khi phải thực hiện là khoảng 10 tỷ đồng, đó là chưa kể thiệt hại không tính được khi thông tin về chất cấm này không được công bố một cách rõ ràng.
“Sản phẩm của chúng tôi là dược - mỹ phẩm, nên hoạt chất trên không phải quá khó để thay thế. Tuy nhiên, phải nói rõ là nhiều thị trường khác, như Mỹ, Nhật, Australia không cấm và đây là hoạt chất phổ biến trong dược - mỹ phẩm”, bà Liên phân trần.
Nhưng điều bà cảm thấy an tâm là các cơ quan có liên quan đang cùng với doanh nghiệp làm rõ các vấn đề trên với ACCSQ. “Việt Nam có lộ trình 3 năm để thực hiện quy định trên theo nguyên tắc ngoại lệ trong AEC. Chúng tôi đang cùng với các cơ quan thu thập bằng chứng, đưa ra các kiến nghị để trình lên ACCSQ. Việc xem xét phân loại các hoạt chất vào nhóm cấm, sử dụng có điều kiện… được tổ chức 2 lần/năm. Một mình doanh nghiệp thì không thể làm gì được, nên sự hậu thuẫn của các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng”, bà Liên nói.
Tất nhiên, doanh nghiệp không thể ngồi chờ. Bà Liên cho biết, tháng 1/2017 này sẽ ra mắt dòng sản phẩm riêng với thương hiệu có tính quốc tế hơn, tuân thủ các quy định về hoạt chất được sử dụng cho thị trường Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
“Tôi tin là doanh thu của Công ty từ AEC sẽ tăng lên mạnh hơn trong năm nay”, bà Liên nói.
Những câu hỏi từ hội nhập
Trong kế hoạch năm 2017 của không ít bộ, ngành và cả của doanh nghiệp, bối cảnh quốc tế vẫn được viết thành một phần, tách ra khỏi bối cảnh trong nước. Đây là mô típ làm kế hoạch quen thuộc, đến mức không ai thấy có vấn đề gì.
Nhưng với ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự quen thuộc này khiến ông lo ngại.
“Kinh tế Việt Nam đã hội nhập, chứ không còn là nền kinh tế mở cửa như vài năm trước. Nghĩa là khi nói về bối cảnh quốc tế là nói về chính mình, chứ không phải ở tư thế người quan sát, đứng ngoài hay phòng thủ như lâu nay. Nếu không xác định rõ điều này để làm định hướng cho các giải pháp, nỗ lực cơ cấu lại từng ngành, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, thì tôi e một năm sau, chúng ta lại đặt câu hỏi tại sao vẫn chưa tận dụng được những cơ hội đang mở ra, như chúng ta đã làm nhiều năm qua”, ông Thiên thẳng thắn.
Theo nghĩa này, bối cảnh kinh tế của năm 2017 không hề thuận với doanh nghiệp Việt Nam. TPP đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cả áp lực từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới… Những nhân tố trên đang dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế, sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam. Gần ngay bên cạnh, AEC mở ra cơ hội, nhưng kèm theo đó là sân chơi cạnh tranh trực tiếp với hàng triệu doanh nghiệp… Trong lúc này, doanh nghiệp Việt lại vẫn đang yếu, dù số lượng tăng.
“Trong nguy có cơ. Chính phủ đã làm rất nhiều việc để đưa cơ hội về, nhưng nếu chỉ tháo gỡ, chỉnh sửa các quy định, vướng mắc thì không thể tạo ra một lực lượng doanh nghiệp mạnh được, không thể tận dụng cơ hội của hội nhập được. Quan điểm của chúng tôi vẫn là phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phải thay đổi mô hình tăng trưởng”, ông Thiên nói. Đặc biệt, ông Thiên cho rằng, đây chính là công việc của Chính phủ kiến tạo mà nền kinh tế đang chờ đợi.