Thưa ông, nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… Nhưng nhiều người lo ngại, doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh được về năng suất, chất lượng với doanh nghiệp nước ngoài. Ông bình luận gì về việc này?
Nỗi lo đó không phải là không có cơ sở. Hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực, bên cạnh đem lại những cơ hội, thì cũng tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp chưa quan tâm đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh còn yếu.
Nhiều doanh nghiệp có tầm nhìn ngắn hạn về đầu tư và lợi nhuận. Trong đó, có các doanh nghiệp quy mô lớn, phần nhiều hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản và tài chính, với một mô hình kinh doanh mang tính cơ hội hoặc tìm kiếm lợi nhuận chính từ cơ chế.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) |
Nguồn tăng trưởng trước đây (như dựa và giá nhân công rẻ hoặc tài nguyên thiên nhiên) đang suy giảm, làm tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Với việc hội nhập sâu, rộng như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thông qua cải tiến năng suất lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Trên thực tế, Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề năng suất, chất lượng từ khá sớm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chủ động, thưa ông?
Đúng là vấn đề chất lượng đã được quan tâm từ lâu, ở quy mô quốc gia có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, đã triển khai suốt 20 năm qua (từ năm 1996). Các hạng mục cụ thể của 7 tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đều hướng tới năng suất, chất lượng, như là một công cụ giúp doanh nghiệp tự đánh giá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cải tiến hoạt động quản lý nói chung, nâng cao năng suất và chất lượng nói riêng.
Trong đó, mô hình tự đánh giá (self-assessment) giúp tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất.
Thực tế là, nhiều doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đều là doanh nghiệp đã áp dụng, vận hành tốt các tiêu chuẩn như ISO 9001, ISO 14001, TQM, GMH, HACCP… Việc áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm chất lượng với giá thành tốt, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.
Có một thực tế là, các doanh nghiệp áp dụng những mô hình quản lý tiên tiến đều là doanh nghiệp đã có tên tuổi, quy mô lớn. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực yếu hơn, dễ tổn thương hơn trong hội nhập thì lại khó tiếp cận với các mô hình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thưa ông?
Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ… Nhưng trước hết, chính mỗi doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng phải quan tâm đầu tư cho năng suất, chất lượng, bởi đó là yếu tố sống còn của mình. Quy luật thị trường sẽ sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém để bồi đắp cho những doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững.
Về phía cơ quan quản lý, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, nhắm tới đối tượng chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia dự kiến trao tháng 4/2016 tới đây, chúng tôi cũng chú trọng hơn đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.