Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp đến các thành tựu về phát triển.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc thực hiện tốt nhiệm vụ về bảo vệ môi trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp cũng đang là vấn đề nan giải, nhiều khó khăn vướng mắc, cần sự hỗ trợ và phối hợp từ phía cơ quan quản lý về môi trường”, ông Thức nhìn nhận.
Hội nghị Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững (Khu vực miền Trung) |
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ, khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đó là việc các tiêu chuẩn, quy định về tuân thủ bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng thường xuyên thay đổi khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, thời gian đầu khi đầu tư xây dựng nhà máy, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và sử dụng những hóa chất mà Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường đưa ra, cũng như các tiêu chuẩn ngành tại thời điểm đó cho phép. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, các tiêu chuẩn ngành theo quy định pháp luật có sự thay đổi, bổ sung nên dẫn đến việc công ty phải tiến hành thay đổi hạng mục hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng quy định.
“Xử lý một vấn đề như thế thì sẽ rất nhiều việc và tốn kém. Nếu mình xử lý ngay từ đầu thì ít tốn kém hơn rất nhiều. Theo tôi, khi thay đổi thì có sự thống nhất ở phía cơ quan chức năng và phải có một tầm nhìn, chúng ta phải kiểm nghiệm xem thử nó có thực sự đúng và phù hợp không, chứ không phải lấy tiêu chuẩn của một nước nào đó tiên tiến để áp dụng làm theo”, ông Lĩnh góp ý.
Theo ông Hồ Nghĩa Tín, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Dana Ý, trong thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lúc đầu đều tương đối chuẩn. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, mỗi lần doanh nghiệp tiến hành nâng cấp hệ thống, công nghệ hay nâng cao hiệu suất sản xuất thì sẽ bị vướng mắc ở chỗ bị khống chế bởi sản lượng ban đầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này phát sinh sự mâu thuẫn và bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi lại báo cáo đánh giá tác động môi trường chứ không được bổ sung.
“Trong Nghị định thì cũng có nói đến việc khi thay đổi về công nghệ, thiết bị nhưng tác động môi trường không vượt quá khả năng xử lý của hệ thống cũ thì không cần thiết phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng trên thực tế là phải làm lại. Mỗi lần thay đổi báo cáo tác động môi trường thì rất lãng phí và tốn kém cho bản thân doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải có những quy định rõ ràng hơn về việc này”, ông Tín nói.
Cũng tại Hội nghị, một số đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn đưa ra những khuyến nghị về việc cơ quan chức năng khi ban hành các quy định về bảo vệ môi trường cần sâu sát với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp; đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích về một “nền kinh tế tuần hoàn” trong đó chú trọng việc tái sử dụng các chất thải trong điều kiện cho phép, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các sáng kiến bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI góp ý:“ Hiện nay trên thế giới người ta đã bỏ đi cụm từ “chất thải”. Chúng ta nên nhìn nhận chất thải là một nguyên liệu thứ cấp, là tài nguyên có thể sử dụng được. Chính phủ cần tạo ra một hành lang, một hệ sinh thái hay cụ thể là các quy định rõ ràng để động viên các doanh nghiệp bảo vệ môi trường”.