Theo Phó Thủ tướng, CNHT là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển CNHT, những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT, đáng chú ý là Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3/11/2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, sắp tới là Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.
“Chính sách để phát triển CNHT thì đã có nhiều rồi, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện có gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói và nhấn mạnh, trong các giải pháp phát triển CNHT, vai trò của các doanh nghiệp “đầu tàu” trong các ngành sản xuất là rất quan trọng. Cùng với đó, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện thuận lợi để hoạt động, phát triển trong lĩnh vực CNHT.
. |
Từ thực tiễn hoạt động, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco Trường Hải cũng cho rằng, nếu không có thị trường, không có doanh nghiệp “đầu tàu” thì rất khó phát triển CNHT. Với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia xuất khẩu và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, tháng 4/2016, Công ty đã khởi công mở rộng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải thêm 268 ha và trong thời gian tới triển khai xây dựng các dự án nhà máy xe con, nhà máy xe tải, nhà máy xe bus và xe mi ni bus…
“Công ty đã mở rộng, nâng cấp các nhà máy hiện hữu; nâng cao năng lực sản xuất từ các chi tiết cơ khí đơn giản đến sản phẩm có chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm phù hợp với điều kiện sử dụng của khách hàng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Dương chia sẻ về các giải pháp phát triển ngành CNHT mà Thaco Trường Hải đã và đang triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam cho biết, theo dự báo, tới năm 2025, Việt Nam có thể đạt sản lượng giày dép trên 2 tỷ đôi, gấp 2 lần sản lượng năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu đạt 28 – 30 tỷ USD. Do đó, nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
“Nếu không phát triển CNHT sản xuất nguyên phụ liệu, ngành da giầy Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu”, ông Thuấn nói và kiến nghị, trong giai đoạn 2016 -2020, cần xây dựng các khu tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da tráng PU…bằng nguồn vốn đầu tư phát triển.
Ông Thuấn cũng kiến nghị, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giầy xuất khẩu và kết nối các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh để tham gia vào chuỗi cung ứng da thuộc thành phẩm và nguyên liệu cho các doanh nghiệp nước ngoài…
Ở góc độ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty Toyota Việt Nam nhận xét, chi phí sản xuất ô tô và linh kiện ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao đầu tư máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá.
Ông Tuấn phân tích, do chi phí sản xuất linh kiện cao hơn khu vực nên các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện từ nước ngoài. Điều này lại khiến họ phải chịu thêm các chi phí rất lớn như chi phí đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu. Vì vậy, chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Đồng thời, do nhập khẩu nhiều linh kiện nên CNHT cho ngành sản xuất ô tô của Việt Nam cũng kém phát triển trong nhiều năm qua.
Để phát triển CNHT, đại diện Toyota Việt Nam kiến nghị, trong ngắn hạn, có chính sách hỗ trợ sản xuất như giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô trước năm 2018 để các nhà sản xuất ô tô tiếp tục duy trì sản xuất. Về dài hạn, có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô và linh kiện ô tô trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm cắt giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.