Cần bảo vệ chuỗi cung ứng xuyên suốt từ sản xuất đến bán lẻ
Theo báo cáo của Tổ công tác phía Nam Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ, một số nhà máy, lượng công nhân duy trì sản xuất đông, nhưng mới chỉ tiêm vaccine 30-40%, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Đây lại là lực lượng lao động trực tiếp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài. Với việc nhà máy, siêu thị, chợ dân sinh bị đóng cửa vì có ca nhiễm sẽ khiến giảm khả năng cung ứng, gây thiếu hàng cục bộ và ảnh hưởng tới an ninh xã hội. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ quy mô lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung và phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Đo nhiệt độ cho nhân viên tại nhà máy |
Với lĩnh vực cốt lõi là sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và bán lẻ, Masan có hơn 30 nhà máy và hàng loạt trang trại chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao tại hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ của Masan là chuỗi bán lẻ hiện đại có quy mô lớn nhất nước với gần 2.500 điểm bán. Trong năm nay, nhằm mục tiêu đưa kênh bán lẻ hiện đại đến gần hơn với người tiêu dùng, Masan đặt mục tiêu mở mới thêm 750 cửa hàng, đưa tổng số lượng riêng chuỗi VinMart+ lên hơn 3.000 điểm trên cả nước.
Hàng ngày, Masan cung ứng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, nước tương, nước mắm, đồ uống, thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau xanh… các loại. Là một trong số ít doanh nghiệp trong cả nước có khả năng tích hợp toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối và bán lẻ, Masan đã và đang phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho một số lượng lớn người dân trong cả nước. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhờ thực hiện tốt công tác chống dịch, các nhà máy của Masan đều duy trì hoạt động xuyên suốt để cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Người lao động sản xuất hàng thiết yếu tại nhà máy |
Giải pháp “vùng đệm” để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất
Với hơn 40.000 nhân viên làm việc trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ, ưu tiên lớn nhất của Masan là bảo vệ an toàn sức khỏe cho khách hàng, người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát, các nhà máy và hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp này đã siết chặt các biện pháp chống dịch, trong đó có việc áp dụng 5K và chỉ thị “3 tại chỗ”.
Thực tế, việc thực hiện “3 tại chỗ” là thử thách lớn với nhiều doanh nghiệp khi hiện nay, một số doanh nghiệp thực hiện chỉ thị này không có đủ lao động. Hơn nữa, chi phí duy trì “3 tại chỗ” cao, doanh nghiệp vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống và xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện nay 70% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang phải bán bù lỗ và huề vốn bởi giá nguyên liệu đầu vào đều tăng.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, với môi trường làm việc trong nhà máy, việc chỉ cần xuất hiện một ca F0, lập tức hàng trăm người khác sẽ là F1 hoặc F2. Ngoài ra, với mật độ nhà máy, xí nghiệp ở khu vực phía Nam quá đông, lượng công nhân rất lớn, việc tìm đủ chỗ ở cho công nhân đáp ứng "3 tại chỗ" là vô cùng nan giải.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức ngày 8/8/2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Thường trực công ty VinCommerce (công ty thành viên của Tập đoàn Masan và là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+) cho rằng, dù biện pháp “3 tại chỗ” của Chính phủ đề ra là rất đúng đắn, song qua thực tế triển khai cho thấy chỉ có thể hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, khoảng 1 - 2 tuần. Về dài hạn nếu có phát sinh nguồn lây bệnh thì “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn.
Từ đó, bà Phương đề xuất biện pháp “vùng đệm” xung quanh nhà máy để lực lượng lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện một số nhu cầu cá nhân vừa đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.
“Doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm các “vùng đệm” như trường học, trường nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu chưa được sử dụng tại địa phương gần ngay nhà máy. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu này chỉ có thể thành công khi có sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền sở tại. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ phê duyệt giải pháp “vùng đệm” và có thể nhân rộng mô hình này", bà Phương đề xuất.
Thiết lập không gian mua sắm an toàn
Để người dân an tâm mua sắm, chuỗi VinMart/VinMart+ đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt với 3 tuyến bảo vệ: Tuyến 1 - Tuân thủ bắt buộc 5K của bộ Y tế đối với nhân viên, đối tác và khách hàng; Tuyến 2 - Tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh của từng địa phương và Tuyến 3 - triển khai các tuyến phòng dịch nội bộ.
Trước khi vào ca làm, tất cả nhân viên siêu thị và cửa hàng đều phải đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn. Nhân viên được cấp trang bị bảo hộ gồm: Khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Đội ngũ thanh tra nội bộ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đảm bảo mọi nhân viên đều nghiêm túc tuân thủ quy định.
Doanh nghiệp đề xuất xem xét nhân viên bán lẻ là đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine để bảo vệ chuỗi cung ứng |
Nhà cung cấp khi đến làm việc tại hệ thống siêu thị này cũng phải tuân thủ các quy định khắt khe như: Thông báo tình trạng sức khỏe, rửa tay bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn trước khi giao hàng; thực hiện khai báo y tế và việc đo thân nhiệt theo quy định. Tất cả những biện pháp này nhằm mang đến không gian mua sắm an toàn và đảm bảo hệ thống bán lẻ vận hành thông suốt, hoàn thành tốt vai trò cung ứng hàng hóa thiết yếu đến được tay người tiêu dùng.