Doanh nghiệp
Doanh nghiệp dệt may rót vốn nâng cấp nhà máy xanh
Hải Yến - 04/05/2022 15:39
Đầu tư nâng cấp nhà máy, hướng tới giảm phát thải, tận dụng năng lượng mặt trời đang trở thành xu hướng trong các ngành sản xuất, xuất khẩu tỷ đô, đặc biệt là dệt may.

Gấp rút xanh hóa nhà máy

Tổng công ty cổ phần Phong Phú vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Coro Renewables Việt Nam, phát triển điện mặt trời áp mái trên các nhà máy của doanh nghiệp tại TP.HCM. Dự án có công suất 2,884 kWp, với sản lượng điện được sản xuất hàng năm dự kiến khoảng 4,2 triệu kWh/năm, được thực hiện thông qua đơn vị tổng thầu là Công ty TNHH Lắp đặt cơ điện Vĩnh Phúc.

Ông Dương Khuê, Tổng giám đốc Phong Phú cho biết, hợp tác này có ý nghĩa lớn đối với Phong Phú trong định hướng phát triển mảng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải…

“Việc sử dụng năng lượng sạch, thực hiện các trách nhiệm về môi trường, xanh hóa là nhu cầu cấp thiết cho những doanh nghiệp hướng đến hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững trong tương lai”, ông Khuê nói.

Xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, các đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị giảm đáng kể lượng đơn hàng.

Ngoài tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên, Phong Phú đã triển khai tái chế và xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất.

Do đặc thù của ngành nên Phong Phú sử dụng một số lượng lớn nước để phục vụ hoạt động sản xuất sợi chỉ may và khăn bông các loại, do đó, quy trình tái chế và xử lý nước thải được doanh nghiệp triển khai nghiêm ngặt, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh. Tổng lượng nước sử dụng trong năm 2021 là 422.821 m3 (trung bình 1.489 m3/ngày).

Ông Michael Carrington, Tổng giám đốc Công ty TNHH Coro Renewables Việt Nam cho biết: “Đầu tư phát triển điện mặt trời cho doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích nhờ tiết kiệm chi phí sử dụng điện, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng thương hiệu xanh, giảm nguy cơ thiếu điện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh… Khi các doanh nghiệp sản xuất ý thức đầu tư sản xuất xanh hơn, sẽ góp phần vào thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ tại COP26”.

Với Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, quy mô doanh thu xấp xỉ 3.900 tỷ đồng vào cuối năm 2021, lợi nhuận hợp nhất đạt 221,4 tỷ đồng, mục tiêu xanh hóa các nhà máy sản xuất cũng được Dệt may Hòa Thọ đưa vào kế hoạch khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2022. Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, Hòa Thọ đã thông qua kế hoạch đầu tư lắp điện mặt trời áp mái tại trụ sở chính của Tổng công ty và tiến tới lắp đặt tại hệ thống nhà máy sản xuất.

Không có đường lùi

Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đây là yêu cầu tất yếu với các nhà cung ứng nếu không muốn bị lùi lại phía sau. Mới đây, thị trường EU, nhập khẩu trên 4 tỷ USD/năm hàng dệt may Việt Nam, đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại 27 nước thành viên.

Theo đề xuất này, hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm. Quy định sinh thái của Ủy ban châu Âu (EC) cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

Kế hoạch mới của EC nhằm làm cho các sản phẩm tại thị trường EU bền hơn, có thể tái sử dụng và sửa chữa được, cải thiện sự đóng góp của nền kinh tế tuần hoàn đối với các chính sách khí hậu và giảm thiểu chất thải.

Fast Retailing, chủ của thương hiệu thời trang UNIQLO cũng cho biết, Hãng sẽ chú trọng hơn đến môi trường trong tất cả các quy trình từ khâu sản xuất đến vận chuyển, phân phối hàng bán, cắt giảm tối đa lượng chất thải gây nên hiệu ứng nhà kính. Mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng chất liệu tái chế của các sản phẩm lên đến 50% trước năm tài chính 2030. Một điểm đáng chú ý trong mục tiêu phát triển bền vững được Fast Retailing nêu ra là tiếp tục thiết lập tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Thời gian qua, không ít khách hàng là các nhãn hàng lớn trên thế giới đã yêu cầu những nhà cung cấp hàng dệt may phải thực hiện quy trình về sản xuất xanh. Do đó, việc bố trí ngân sách  đầu tư thiết bị thay thế cho nhân công, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn nguồn nước để đảm bảo sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường là con đường không thể khác của các doanh nghiệp.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may cho Mỹ, EU, đã tiếp nhận những yêu cầu xanh hóa trong sản xuất, thể hiện qua hệ thống nhà máy được đầu tư công nghệ/thiết bị đạt chuẩn, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm phát thải, giảm tiêu thụ nước…

Việc thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phải huy động nguồn lực tài chính và có lộ trình triển khai, nhưng về lâu dài, nếu thực hiện tốt, sẽ làm tăng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, của ngành dệt may, từ đó giúp doanh nghiệp nhận đơn hàng có giá trị cao, tăng được lợi thế trong cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.

Tin liên quan
Tin khác