Tập đoàn Novaland mới đây đã công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ do Warburg Pincus dẫn đầu. Ảnh: Lê Toàn |
Chủ động
Phát hành cổ phiếu cho quỹ đầu tư ngoại là hướng đi được một số doanh nghiệp có thương hiệu lựa chọn. Mới đây, Hưng Thịnh Land - một thành viên chủ lực của Tập đoàn Hưng Thịnh, đã công bố hoàn tất thương vụ nhận góp vốn cổ phần giá trị 103 triệu USD từ Dragon Capital và VinaCapital. Dù các bên đều không công bố tỷ lệ góp cụ thể, nhưng theo cập nhật từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các quỹ thuộc VinaCapital và Dragon Capital nắm lần lượt 1,23% và 3,82% vốn của Hưng Thịnh Land.
Dựa trên con số 25 triệu USD mà VinaCapital công bố để nắm giữ 1,23% cổ phần, ước tính định giá của Hưng Thịnh Land vào khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, Dragon Capital được cho là rót khoảng 78 triệu USD vào nhà phát triển bất động sản này.
Khoản vốn trên là nguồn lực quan trọng để phát triển danh mục 14 dự án của Hưng Thịnh Land tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa trong 3 năm tới. Theo đó, lợi nhuận của doanh nghiệp được dự báo tăng từ 74 triệu USD năm 2021, lên 120 triệu USD năm 2022 và đạt 185 triệu USD trong 2 năm tới.
Tương tự, Tập đoàn Novaland mới đây cũng công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ do Warburg Pincus dẫn đầu, đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ mang tính chiến lược giữa Novaland và quỹ đầu tư tư nhân đến từ Mỹ này.
Với khoản vốn mới, Novaland dự kiến phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển dự án ở các vị trí chiến lược.
Trong khi đó, Tập đoàn Nam Long cũng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp trên thị trường có khả năng huy động vốn quốc tế rất tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản gần như ngưng trệ, các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cũng phải hoãn lại, thì hoạt động huy động vốn của Nam Long vẫn khá tích cực, khi đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu để phát triển giai đoạn II, Dự án Waterpoint (Long An).
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long cho biết, HĐQT đã dự phòng kịch bản lãi suất tăng lên, khó vay và huy động vốn ở thị trường trong nước. “Nam Long đã từng gặp khó khăn vào năm 2005 khi lãi suất là 20%, nên chúng tôi đã nghiên cứu sử dụng vốn đối tác quốc tế để không bị động trước sự thay đổi của lãi suất và chính sách tín dụng với bất động sản”, ông Quang nói.
Lối ra trong giai đoạn “dòng tiền khó”
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn khoảng 1 - 2 năm, thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn do ách tắc về pháp lý và xu thế kiểm soát tín dụng ngân hàng chảy vào bất động sản. Đặc biệt, hiện mặt bằng lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng cùng với hạn mức tín dụng hạn hẹp, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nhất là những đơn vị có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 2 lần, hay hệ số nợ ròng/EBITDA quá cao.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ, sau giai đoạn đẩy nhanh tiến độ một số dự án, công ty gần như bế tắc về dòng tiền phát triển dự án mới. Trong khi đó, sức mua của thị trường xuống thấp nên doanh nghiệp chấp nhận chọn phương án dừng mở bán các đợt tiếp theo vì lo ngại lãng phí nguồn lực và tiêu tốn chi phí marketing vô ích.
Dù vậy, thị trường khó khăn cũng mang đến cơ hội tăng cường hợp tác giữa các bên trong chuỗi giá trị ngành. Những chủ đầu tư có sẵn quỹ đất sẽ chào mời hợp tác với đơn vị có lợi thế về phát triển dự án, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, nguồn lực tài chính hay các doanh nghiệp mạnh về kinh doanh, phân phối, tiếp thị. Sự hợp tác này được đánh giá là win - win cho các bên, mang đến sự phát triển bền vững.
“Chúng tôi đang thương thảo với một đối tác để triển khai dự án. Hiện có hai phương án, một là bán toàn bộ dự án đang triển khai để thu hồi nguồn vốn tái đầu tư cho các dự án khác, hai là nhận khoản góp vốn với tỷ lệ 49% trên tổng mức đầu tư của dự án, bên góp vốn cũng tận dụng hệ sinh thái của mình để tham gia phân phối và xây dựng dự án”, lãnh đạo doanh nghiệp trên tiết lộ khi được hỏi về kế hoạch xoay vốn trong nửa cuối năm 2022.
Tương tự, Công ty cổ phần LDG Group vẫn còn các dự án dang dở, không thể triển khai tại TP.HCM bởi vướng pháp lý lẫn dòng tiền. Để giải quyết tình huống này, đại diện doanh nghiệp cho biết, sẽ huy động vốn từ bên ngoài và sử dụng nguồn tiền có sẵn để tiến hành thu hồi sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho khách hàng, đồng thời dự phòng rủi ro pháp lý. Trong điều kiện thuận lợi nếu thu hồi được toàn bộ sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng lại dự án.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó giám đốc tài chính Tập đoàn Danh Khôi đánh giá, trong bối cảnh thị trường vốn trong nước dành cho lĩnh vực bất động sản đang hạn hẹp, ngân hàng siết cho vay đầu tư, kinh doanh dự án, khiến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các thành viên trên thị trường ngày càng hạn chế. Đây là khó khăn chung của thị trường chứ không riêng doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị từ trước và luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước nên nguồn vốn triển khai dự án vẫn được duy trì.
“Ngoài việc ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) để đầu tư phát triển dự án The Meraki Vũng Tàu vào cuối tháng 7, chúng tôi cũng đang trong quá trình thương thảo với một số đối tác nước ngoài khác để cùng phát triển dự án khác”, ông Quang nói.