TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc để phát triển thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân. |
Doanh nghiệp ngóng sự đổi thay
Trong buổi làm việc hồi cuối tháng 2/2020, lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp phản ánh về các vướng mắc, chủ yếu xoay quanh vấn đề rà soát thủ tục pháp lý, chậm triển khai… của các dự án, các đề xuất nhằm mang đến môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành nhanh chóng có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm ổn định tình hình kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào “Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị” của Thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ tập trung vào phát triển các doanh nghiệp đầu ngành, nâng cao sức cạnh tranh của Thành phố. Có một thực tế và cũng là nỗi trăn trở của Thành phố thời gian qua là các doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn.
“Các sở, ngành phải thấy được rằng, sự vất vả, khó khăn của doanh nghiệp là sự vất vả của Thành phố. Doanh nghiệp có phát triển được thì đó là sự thành công của Thành phố. Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn, sở, ban, ngành phải chia sẻ. Với phương châm là phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, tôi đề nghị các sở, ban, ngành phải có giải pháp quyết liệt hơn trên cơ sở làm đúng quy định của pháp luật”, ông Phong nhấn mạnh.
Thời gian qua, rất nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng như các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản gửi đến cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban, ngành, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc pháp lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng: "Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản Thành phố hiện nay rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật...".
Đại diện Tập đoàn Novaland, một trong những doanh nghiệp bất động sản tên tuổi hoạt động tại phía Nam cho biết, với sự lắng nghe, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành, nên trong những tháng gần đây đã dần tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án.
Có thể kể đến như Dự án khu chung cư Cô Giang tại số 100 - Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) đã được UBND TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn (phường 6, quận 4) đã được UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án.
Hay Dự án khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền (quận 2) và Dự án cao ốc thương mại và căn hộ tại số 1W - Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh) và Dự án căn hộ cao cấp tại 67 - Mai Chí Thọ (phường An Phú, quận 2) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra thực địa, chuẩn bị thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho cư dân.
7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…
Những vướng mắc khác, Tập đoàn kiến nghị cần xem xét như: hiện nay, một số công ty thành viên trực thuộc Novaland đang quản lý sử dụng các khu đất theo hợp đồng thuê đất. Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, các sở, ngành còn phân vân trong việc giải quyết hồ sơ do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình này.
Novaland đang sở hữu và nghiên cứu triển khai quỹ đất lớn, khoảng 4.900 ha. Đối với doanh nghiệp địa ốc, quỹ đất lớn là một lợi thế vượt trội, bởi nó là nền tảng tạo điều kiện cho việc gối đầu dự án và liên tục đưa sản phẩm mới ra thị trường. Các dự án của Novaland luôn đáp ứng nhu cầu thị trường ở nhiều phân khúc khác nhau và nhiều thời điểm khác nhau. Nói cách khác, Novaland có sẵn của để dành và nếu “cơm chưa ăn thì gạo còn đó”. Điều này góp phần tạo nên tiềm năng của Tập đoàn.
Trong con mắt các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, vướng mắc thủ tục pháp lý nhà đất không thể kéo dài mãi. Khi pháp lý bất động sản được khai thông, thị trường sẽ nhanh chóng sôi động trở lại, Novaland đã có sẵn nguồn cung để tung ra ngay. Đây là điểm tích cực mà giới chuyên gia và đầu tư đang chờ đón.
Cần đẩy nhanh tiến độ giải cứu
Dù UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành đã vào cuộc, song nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc xử lý khó khăn cho thị trường bất động sản còn quá chậm. Một tháng sau cuộc gặp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM cùng doanh nghiệp địa ốc, các dự án được xử lý khó khăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi theo thống kê của HoREA, trên địa bàn Thành phố có 150 dự án đang chờ đợi được tháo gỡ.
Đơn cử, Công ty cổ phần Bất động sản AsianHolding cho biết, công ty này đã xin phát triển dự án tại huyện Bình Chánh từ năm 2017, nhưng vẫn chưa được cấp phép triển khai. Tập đoàn Hà Đô thì cho biết, doanh nghiệp này có 2 dự án tại quận 8 và quận Thủ Đức đã 3 năm nay chờ được thông qua để phát triển, bởi từ năm 2017 tới nay, doanh nghiệp này không có dự án mới được mở bán. Nếu kéo dài thời gian không được triển khai dự án thì doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
Với Công ty cổ phần Địa ốc Himlamland, hiện có khoảng 10 dự án đang gặp khó khăn trong việc xin giấy phép phát triển, trong khi từ năm 2016 tới nay, doanh nghiệp này không có dự án mới triển khai.
“Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp ngày 22/2, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tới ngày 30/4 sẽ giải quyết dứt điểm các khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc, nhưng với tiến độ như hiện nay thì chúng tôi cho rằng, các dự án sẽ khó có thể được giải quyết xong trong tháng 4”, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding nói.
Còn bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, nhiều dự án thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư, để rà soát lại về pháp lý đã phải chờ đợi trong thời gian quá lâu.
TP.HCM hiện có 158 dự án có liên quan đất công, thuộc diện rà soát. Việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
“UBND TP.HCM cần phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở”, bà Hương đề xuất.