Du lịch
Doanh nghiệp du lịch chặn đà lao dốc
Thanh Thủy - 24/08/2020 16:29
Lao dốc vì Covid-19, doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí, cải thiện doanh thu nhằm cân đối tài chính, chủ động ứng phó những diễn biến trong tình hình mới.
Vietravel buộc phải giảm thu nhập của các thành viên quản lý chủ chốt và thu hẹp quy mô nhân sự để tiết giảm chi phí.

Lợi nhuận tiếp tục suy giảm

Kết quả kinh doanh chưa bằng 10% so với cùng kỳ năm 2019, Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) thực sự “ngấm đòn” vì Covid-19 ở quý II/2020. Trong quý I, quy mô doanh thu của Vietravel cũng hụt tới hơn 40%. Tính chung nửa đầu năm, doanh thu của Công ty giảm hơn 70%, còn 996 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 76 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), tình hình cũng không khá hơn với khoản lỗ 35 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Mặc dù vẫn báo lãi ròng, nhưng kết quả này của Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) lại đến từ phần cổ tức và lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết tăng trưởng vượt trội, còn hoạt động kinh doanh chính trong nửa đầu năm cũng không tránh khỏi tình trạng ảm đạm, khi doanh thu và lợi nhuận gộp đều giảm hơn 60%.

Các điểm đến du lịch cũng không mấy khả quan, nhất là khi nhìn vào kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp niêm yết vẫn luôn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” nhiều năm qua. Trong một cuộc họp hồi cuối tháng 7, lãnh đạo Công ty CP Công viên nước Đầm Sen dự tính doanh thu cả năm 2020 chỉ đạt 90 tỷ đồng, thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Công viên nước Đầm Sen cho biết, dù không quá phụ thuộc vào khách quốc tế, nhưng doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty vẫn giảm gần 75%, trong khi nhiều khoản chi (bảo dưỡng, bảo trì, thuê đất…) vẫn phải duy trì. Vì vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp này chỉ đạt gần 1 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ khoản lãi nửa đầu năm 2019 (62 tỷ đồng).

Tại Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, đơn vị đang nắm giữ 33,5% vốn Công viên nước Đầm Sen, đồng thời quản lý Công viên văn hóa Đầm Sen cùng nhiều nhà hàng có vị trí đắc địa tại TP.HCM, doanh thu nửa đầu năm giảm gần 1/3 và không đủ để bù đắp giá vốn. Cùng với hơn 100 tỷ đồng tiền thuê đất truy thu, Công ty báo lỗ sau thuế 144 tỷ đồng khi kết thúc quý II/2020.

Nhiều khách sạn cũng chung cảnh thua lỗ. Trực tiếp sở hữu và nắm giữ phần vốn góp tại không ít khách sạn trên đất vàng đắc địa nhất TP. Huế, Công ty CP Du lịch Hương Giang giảm 66% doanh thu trong nửa đầu năm. Lợi nhuận âm 22,8 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế tăng gấp đôi, lên gần 46 tỷ đồng, ăn mòn 23% vốn điều lệ. Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An (HOT) - ông chủ Hoi An Hotel, Hoi An Beach Resort và Khu nghỉ dưỡng Tam Thanh, sau khoản lỗ 8,4 tỷ đồng trong quý II, tiếp tục dự kiến lỗ hơn 6 tỷ đồng trong quý III này.

Cân đối tài chính trong tình hình mới

Với nguồn thu chủ yếu từ các tour du lịch quốc tế, Vietravel đã sớm dự trù thua lỗ trong năm nay, nhưng trên thực tế, khoản lỗ ròng nửa đầu năm đã gấp hơn 3 lần dự kiến.

Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng khó lường và càng khó dự báo hơn khi các ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện trở lại tại Việt Nam vào tháng trước.

Đổi mới trong quản trị và kinh doanh để thích nghi trong tình hình mới là điều doanh nghiệp cần chuẩn bị và tính đến.

Ông Nguyễn Minh Chung, Chủ tịch HĐTV Hanoitourist

Vì vậy, các biện pháp thích nghi đã và đang được doanh nghiệp thực hiện để cân đối tài chính trong tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm đáng kể các khoản chi phí, thu hẹp quy mô nhân sự. Tại Vietravel, thu nhập của các thành viên quản lý chủ chốt kỳ này đã giảm từ 5,2 tỷ đồng xuống còn 624 triệu đồng, nhân sự giảm 95 người. Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ cũng cắt giảm 9,8% nhân sự trong nửa đầu năm, song với nhiều khoản chi phí cố định phải duy trì, biên lợi nhuận gộp cũng khó cải thiện khi quy mô doanh thu giảm mạnh.

Để kích cầu, chiến lược giá được nhiều doanh nghiệp thực thi với không ít chương trình khuyến mại và gói tour hấp dẫn chưa từng có. Mới đây, công ty cung cấp dịch vụ cáp treo ở núi Bà Đen (Tây Ninh) đã chủ động giảm giá vé lên đến 15%. Viettourist nhắm đến khách hàng là chính các cổ đông với chương trình tặng tour du lịch. Hanoitourist cũng xây dựng các sản phẩm mới như tour Hoàng thành Thăng Long, tour Di tích nhà tù Hỏa Lò vào các tối cuối tuần và các tour ra ngoại thành. Những cái bắt tay giữa công ty lữ hành và điểm đến hay sự hợp tác giữa các địa phương để hình thành các khu vực du lịch trọng điểm cũng đã được tích cực triển khai để kéo nguồn khách nội địa.

Thậm chí, Hanoitourist, Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ… trong kỳ vừa rồi đã phải chủ động chuyển tiền gửi ngân hàng sang những kỳ hạn dài hơn để “nhặt” thêm những đồng lãi khi miếng bánh thị trường ngày càng nhỏ lại và hoạt động kinh doanh bị Covid-19 “khóa” chặt. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn áp dụng những biện pháp như giảm công nợ với khách hàng hay giảm cổ tức năm 2019… để cải thiện dòng tiền và dự trù nguồn lực, chủ động ứng phó với tình hình mới.

Tin liên quan
Tin khác