Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển 5G và AI |
Ericsson sẵn sàng hỗ trợ thương mại hóa 5G
Tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho hay, theo ước tính của Ericsson Việt Nam, 5G sẽ chiếm khoảng 50% thuê bao di động của Việt Nam vào năm 2029. Hiện nay, hơn 25% lưu lượng dữ liệu được truyền tải qua 5G. Ericsson dự báo, 5G thương mại có thể khả dụng ở Việt Nam trước cuối năm nay, thậm chí sớm hơn.
“Với kinh nghiệm toàn cầu và vị thế dẫn đầu trong việc triển khai mạng 5G, chúng tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Hiện nay, Ericsson đang hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng và doanh nghiệp trong nước để phát triển những trường hợp ứng dụng phù hợp với nhu cầu đặc thù của Việt Nam.
Các lĩnh vực chính bao gồm private network cho các ngành như sản xuất và logistics, cũng như hỗ trợ các sáng kiến thành phố thông minh của Chính phủ. Chúng tôi cũng đang xem xét triển khai fixed wireless access để cung cấp Internet tốc độ cao và đáng tin cậy ở những khu vực khó triển khai mạng cáp quang truyền thống”, bà Mokbel chia sẻ.
Tương tự, AI đang tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất, chăm sóc sức khỏe và logistics. Công nghệ này không chỉ tự động hóa quy trình, mà còn nâng cao khả năng ra quyết định và cải thiện tương tác với khách hàng.
“Hiện ở Việt Nam, AI đã được ứng dụng trong các nhà máy thông minh. Khi hạ tầng số tiếp tục mở rộng, AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực của AI mở ra nhiều cơ hội mới, từ cung cấp dự báo trong sản xuất, trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa, đến quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Những thay đổi này sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai”, bà Mokbel nói thêm.
Với sự bùng nổ của 5G và AI trong tương lai, Ericsson cam kết hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển những kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế số của Việt Nam. Cụ thể, công ty hợp tác với Đại học RMIT để thành lập một phòng thí nghiệm AI, giúp sinh viên có thể trải nghiệm thực tế với 5G và các công nghệ mới nổi.
Trong tương lai, Ericsson sẽ mở rộng những nỗ lực này để thu hút nhiều sinh viên hơn, tập trung vào các lĩnh vực như AI, blockchain và điện toán đám mây. Công ty cũng đang triển khai các sáng kiến tương tự với Viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (PTIT) nhằm trang bị cho thế hệ tiếp theo những kỹ năng cần thiết để khai thác các công nghệ 5G.
AWS mong muốn hợp tác với nhà mạng viễn thông Việt Nam
Theo ông Eric Yeo, Tổng giám đốc AWS Việt Nam, việc ứng dụng AI và Gen AI vào hạ tầng 5G có thể cải thiện trải nghiệm người dùng và tối đa hóa hoạt động. Gen AI có thể tự động hóa quy trình và viết mã phần mềm, giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất trong tổ chức. Đây là chìa khóa cho các công ty viễn thông tối ưu hóa lợi ích của 5G.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, AWS mong muốn hợp tác với các nhà mạng viễn thông Việt Nam để cung cấp công nghệ, chuyên môn và kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động, giúp các nhà mạng viễn thông tối đa hóa lợi nhuận từ đầu tư 5G.
“Dù là công nghệ mới 5G hay AI, thì điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo có sự hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực với cách tiếp cận từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Với một môi trường được hỗ trợ tốt, các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa tiềm năng của AI để nâng cao năng suất và chuyển đổi cách thức hoạt động, mang đến lợi ích đáng kể cho cả công ty và người dùng cuối cùng”, ông Eric Yeo nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, AWS đang hợp tác với Ngân hàng Techcombank để triển khai mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models) đến 250 nhân viên, bao gồm nhân viên kế toán, nhân sự, marketing… Mục tiêu nhằm hỗ trợ toàn bộ nhân viên của Techcombank học hỏi, tối ưu hóa mô hình ngôn ngữ lớn như Gen AI, sao cho phù hợp công việc của họ. Tương tự, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cũng nắm bắt các công nghệ mới như Gen AI, từ cấp độ Hội đồng quản trị đến Ban quản trị điều hành.
Bàn về sự quan tâm của doanh nghiệp Singapore đối với nền kinh tế số Việt Nam, ông George Choo, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp viễn thông và công nghệ Singapore cho biết: “Doanh nghiệp Singapore rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Một số doanh nghiệp như Grab đã đầu tư vào Việt Nam 10 năm trước. AWS cũng đang tích cực hoạt động tại thị trường Việt Nam”.
“Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư bằng cách đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Việt Nam và Singapore có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một tiền đề tốt để chúng ta xác định và điều chỉnh chính sách nhằm thu hút và giữ chân nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Singapore nói riêng”, ông George Choo khẳng định.