5 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp FDI xuất siêu 17,2 tỷ USD. |
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan về xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023, ghi nhận mức xuất siêu "khủng" của khối doanh nghiệp FDI.
Tổng cục Hải quan cho hay, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tháng 5 là 36,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu 5 tháng năm 2023 lên 180,59 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 32,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng đạt 19,79 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước, lũy kế 5 tháng nxuất khẩu đạt 98,91 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 13,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2023 là 16,78 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 5 tháng năm 2023 đạt 81,68 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 18,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 65% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2023 đạt thặng dư 3 tỷ USD, nâng mức thặng dư 5 tháng lên 17,23 tỷ USD.
Cả năm ngoái, khối FDI xuất khẩu 273,63 tỷ USD, tăng 11,6% (tương ứng tăng gần 28,5 tỷ USD) so với năm 2021, xuất siêu 40,43 tỷ USD.
Kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu trong nước.
Cụ thể, ttổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 5/2023 đạt 54,08 tỷ USD, tăng 1,9% tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 260,79 tỷ USD, giảm 15,3% tương ứng giảm 47,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 18,88 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,29 tỷ USD).
Trong 5 tháng năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Á là 169,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 64,9% trong tất cả các châu lục và giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là châu Mỹ với 52,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,3%, giảm 18,9%; châu Âu là 29,29 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 10,2%; châu Đại Dương với 6,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 10,6%; châu Phi với 3,19 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,2%, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.