Đầu tư
Doanh nghiệp FDI ứng phó với tăng lương tối thiểu
Hồng Sơn - 22/01/2017 08:34
Dù có tiềm lực hơn doanh nghiệp trong nước nói chung, song doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đối mặt không ít khó khăn khi thực hiện tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2017.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc tài chính Tập đoàn Scavi (doanh nghiệp 100% vốn Pháp) cho biết, Tập đoàn có nhiều công ty thành viên ở nhiều vùng, như Đồng Nai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế…, với số lượng lao động lên tới gần 10.000 người, nên quỹ lương sẽ tăng đáng kể khi thực hiện tăng lương tối thiểu cho người lao động.

Đơn cử, tại nhà máy ở Biên Hòa (Đồng Nai), với có hơn 1.000 lao động, theo quy định mới, mỗi tháng quỹ lương phải tăng thêm hơn 200 triệu đồng.

.

“Dù chúng tôi đã tính toán và chủ động ứng phó với việc tăng lương, song việc liên tục tăng lương tối thiểu nhiều năm gần đây cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thành cho biết. Theo ông Thành, cái khó không chỉ là tăng quỹ lương, mà đi đôi với việc này là nhiều khoản tăng theo, như đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho người lao động.

Trong khi đó, các doanh nghiệp như AkzoNobel, Bosch Việt Nam… tuy không đông nhân công như Scavi, song số lao động cũng lên tới hàng ngàn người mỗi doanh nghiệp và phần lớn trong số đó có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao, nên mức lương được hưởng khá cao. Do đó, khi tăng lương tối thiểu, các khoản phải đóng cũng tăng lên nhiều.

Theo các doanh nghiệp, mỗi lần tăng lương tối thiểu là họ phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định.

Được biết, từ đầu năm 2016, các doanh nghiệp đã phải trích nộp các khoản phụ cấp, như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên…

Phân tích cụ thể hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Thành cho biết, mấy năm gần đây, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta chưa đến 10% và đang có dấu hiệu chậm lại. Trong khi đó, mức tăng lương tối thiểu bình quân hơn 10%/năm. Điều này là chưa hợp lý và làm khó doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dù chúng tôi đã tính toán và chủ động ứng phó với việc tăng lương, song việc liên tục tăng lương tối thiểu nhiều năm gần đây cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp

“Sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm số đông, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nền kinh tế. Do đó, không nên năm nào cũng tăng lương tối thiểu, mà cần có sự giãn cách để doanh nghiệp kịp hồi phục và có sự chuẩn bị”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, Tập đoàn Scavi đã chính thức có văn bản gửi Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tổng hợp, đề xuất với các ngành chức năng và Chính phủ cho giãn cách thời gian tăng lương tối thiểu. Một trong những nguyên nhân chính của đề xuất này là do tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, phụ cấp của doanh nghiệp dệt may nước ta cao hơn so với nhiều nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của hàng dệt may Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ, trong đó có việc giãn cách khoảng thời gian tăng lương tối thiểu và các khoản phải trích nộp theo lộ trình, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bình luận, tỷ lệ tăng lương tối thiểu nên dựa vào dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế của năm đó.

Cũng theo vị này, tỷ lệ tăng lương cao sẽ vượt quá khả năng cải thiện của doanh nghiệp, kìm hãm việc tuyển dụng thêm lao động, làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn của doanh nghiệp…

Đại diện Tập đoàn Scavi cho biết, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam năm qua có tăng trưởng, nhưng không đạt chỉ tiêu và cũng không đạt được kết quả những năm trước. “Trước đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này luôn ở mức 14 - 15%/năm, nhưng hiện chỉ tăng trưởng bằng khoảng một phần ba con số đó, nên đây thực sự là dấu hiệu xấu”, ông Thành.

Theo ông Thành, với tình hình như vậy, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp nâng cao năng lực, tăng khả năng cạnh tranh. Trong đó, cần có sự tính toán kỹ càng, hợp lý mỗi khi tăng lương tối thiểu để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Tin liên quan
Tin khác