Thời sự
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Chưa hài lòng với mức tăng lương tối thiểu
Thu Trang - 03/08/2016 08:57
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Hội đồng chưa hài lòng với mức tăng lương tối thiểu 7,3%, bởi mức ban đầu mà Tổng Liên đoàn Việt Nam đưa ra đưa ra là 11%.
Họp báo công bố kết quả họp Hội đồng tiền lương Quốc gia về tiền lương tối thiểu năm 2017. 

Chiều 2/8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo chính thức công bố kết quả họp Hội đồng tiền lương Quốc gia về tiền lương tối thiểu năm 2017. Theo đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu là 7,3%. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước tăng như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4%; và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,9%.

Theo Hội đồng Tiền lương Quốc gia, phương án nêu trên được 13/14 (chiếm 92,9%) thành viên Hội đồng thống nhất. Với phương án trên thì mức lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng từ 180 - 250 nghìn đồng so với năm 2016 (tính theo tỷ lệ phần trăm, bình quân chung tăng 7,3% so với năm 2016).

Trước đó, ngày 20/7, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 11,11%. Tuy nhiên, đại diện người sử dụng lao động Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đưa ra mức tăng tối thiểu vùng của năm 2017 ở mức 4 - 5%. Từ đó không đi đến được tiếng nói chung dẫn đến việc bỏ phiếu để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. 

Sáng 2/8, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục bàn lần thứ 2 để chốt phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2017. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mức tăng thấp sẽ không đảm bảo đời sống của người lao đồng. Còn Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam lại cho rằng việc tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tại cuộc họp báo công bố kết quả, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân cho biết, Hội đồng chưa hài lòng với con số 7,3% bởi mức ban đầu mà Tổng liên đoàn đưa ra đưa ra là 11%. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ ngày hôm qua, mức GDP dự báo trong 6 tháng cuối năm là 6,3% và CPI là gần 5%. Cùng với đó, tình hình các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Do đó chúng tôi có chấp nhận hạ xuống 10%  trong quá trình thương lượng. Tuy nhiên với con số 7,3% đã chốt thì Tổng liên đoàn sẽ phải chịu nhiều sức ép từ người lao động. 

Còn về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định phương án được thống nhất hôm nay là sự nỗ lực, chia sẻ rất lớn từ 2 phía đại diện người lao động và người sử dụng lao động. 

Tin liên quan
Tin khác