Quốc tế
Thế giới bước vào năm bản lề đầu tư xanh
Lê Quân - 02/02/2021 14:57
Những cam kết mạnh mẽ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc khôi phục “vai trò lãnh đạo thế giới” của nước này hứa hẹn sẽ kích hoạt cuộc cách mạng xanh rộng khắp.

Khát… chip

Đã qua thời khát dầu, khát điện, thứ mà thế giới đang khát hiện nay là… chip. Thiếu hụt nguồn cung chip đang đe dọa sự an nguy của ngành ô tô toàn cầu khi ngành này mới thoát bóng cơ khí chế tạo đơn thuần, mà bằng chứng là Tesla của “gã điên thiên tài” Elon Musk giờ đã được gắn mác công nghệ nhiều hơn.

Toyota, Volkswagen và một loạt hãng xe hơi khác trên thế giới đang phải “phanh” lại kế hoạch sản xuất do thiếu chất bán dẫn, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng chip cho các sản phẩm khác như điện thoại thông minh, trạm thu phát gốc (viễn thông) ngày càng tăng.

Đầu tư vào phát triển bền vững sẽ có bước tiến đáng kể trong năm 2021 và đây được xem là năm bản lề cho đầu tư xanh. Hoạt động này không chỉ được khuyến khích bởi việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy gói đầu tư 2.000 tỷ USD vào hạ tầng xanh, mà còn thắt chặt kiểm soát năng lượng hóa thạch cùng những lĩnh vực gây ủi ro về môi trường, xã hội và quản trị.
Bà Fan Cheuk Wan, Giám đốc đầu tư tại đơn vị quản lý tài sản và ngân hàng tư nhân (Tập đoàn HSBC)

Toyota Motor đã quyết định giảm sản lượng xe bán tải Tundra tại nhà máy ở bang Texas (Mỹ) do thiếu chất bán dẫn. Đến đầu tháng 1 năm nay, hãng này vẫn chưa tiết lộ chi tiết quy mô và thời gian cắt giảm sản lượng. Trước đó, vào tháng 12/2020, một đại diện Toyota đã thông báo tới các công ty phụ tùng ô tô ở Nhật Bản rằng, họ vẫn chưa xác định được liệu có thể đảm bảo đủ chất bán dẫn hay không. Thông thường, Toyota sẽ phải làm rõ kế hoạch sản xuất trong năm tới, song cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã khiến hãng ô tô này phải vật lộn để cho ra đời một kế hoạch sản xuất chính thức.

Theo Hãng tin Nikkei, Nissan Motor ước giảm sản lượng 5.000 chiếc xe chủ lực Note trong tháng 1 và việc cắt giảm có thể kéo dài đến tháng 2 năm nay. Cùng với đó, Honda cũng quyết định giảm sản lượng 4.000 chiếc ô tô cỡ nhỏ Fit trong tháng 1 tại nhà máy ở tỉnh Mie (Nhật Bản). Trong khi đó, Volkswagen của Đức cũng đã thông báo sẽ cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu. Tại Đức, hãng xe này tạm dừng sản xuất mẫu Golf từ tháng 12/2020 và kéo dài đến giữa tháng 1/2021.

Do thiếu chip, nên hầu hết các nhà sản xuất ô tô đang tranh giành nguồn hàng từ các nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu như Continental và Bosch. Nguồn cung chất bán dẫn được mua từ các công ty lớn như liên doanh NXP giữa Mỹ và Hà Lan hay STMicroelectronics của Thụy Sĩ cũng bị chậm lại.

Chất bán dẫn đã trở thành thứ không thể thiếu của ngành công nghiệp ô tô hiện đại, khi xe điện và xe tự hành ngày càng phổ biến trên thế giới. Khi ô tô ngày càng trở nên cao cấp, tiện dụng và tinh tế hơn, thì nhu cầu về chất bán dẫn sẽ càng tăng. Theo đánh giá của KPMG Japan, đơn vị thành viên của Hãng kiểm toán KPMG, một chiếc xe điện sử dụng gấp đôi lượng chất bán dẫn so với xe chạy xăng.

Chẳng phải ngẫu nhiên sau khi ông Joe Biden chiến thắng bầu cử năm 2020 và chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46, các hãng xe hơi và công ty công nghệ đồng loạt xắn tay làm xe điện dưới hình thức bắt tay liên kết. Bởi lẽ, Tổng thống Joe Biden vốn được cho là người theo lối ngoại giao truyền thống nhiều hơn, có trật tự và ít bất ngờ. “Ông chủ” Nhà Trắng cũng nhấn mạnh nhiều hơn các hệ giá trị, không chỉ dân chủ, nhân quyền, mà bao gồm cả vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, lao động, phúc lợi xã hội…

Rõ ràng, các hãng ô tô và công nghệ đã “đánh hơi” được những tín hiệu của chính quyền Joe Biden về phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bằng chứng là ngay ngày đầu tiên tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Biden đã khai tử dự án đường ống dẫn dầu trị giá 9 tỷ USD từ Canada về Mỹ - Keystone XL. Động thái này đã giáng một đòn chí mạng vào ngành năng lượng truyền thống, đồng thời là hành động mạnh thể hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu.

Mới đây nhất, 1 tuần sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, General Motors công bố tham vọng chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xe con, xe tải và xe thể thao đa dụng chạy bằng diesel và xăng vào năm 2035, chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện nhằm trở thành công ty carbon trung tính vào năm 2040.

Chưa hết, hãng xe này cũng dự tính sử dụng 100% năng lượng tái tạo để vận hành các nhà máy tại Mỹ vào 2030 và các cơ sở khác trên toàn cầu trong 5 năm sau đó. Những tham vọng trên được General Motors công bố vào hôm 28/1, một ngày sau khi Tổng thống Bide ký một loạt sắc lệnh hành chính ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp chính quyền và đưa nước Mỹ trở lại lộ trình hạn chế phát thải carbon.

Kích hoạt dòng đầu tư xanh

Giữa cơn khát chip, sức nóng của ngành ô tô càng tăng bội phần khi các “ông lớn” công nghệ muốn “nhảy” vào lĩnh vực “xe xanh”. Quả nhiên, General Motors với tham vọng lớn lao không ôm hết được việc. Ngày 19/1, hãng này tuyên bố đã huy động được khoản vốn mới 2 tỷ USD cho công ty con chuyên phát triển xe tự hành Cruise, bao gồm vốn từ Honda Motor và Microsoft - đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho Cruise cùng dịch vụ gọi xe đang được trông đợi của hãng ô tô Mỹ dự kiến sẽ cạnh tranh với Uber và Lyft.

Trong khi đó, một start-up xe tải điện Rivian (Mỹ) dự kiến sẽ xuất xưởng những chiếc xe đầu tiên vào mùa hè năm nay sau khi huy động được 2,65 tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn, bao gồm Quỹ Cam kết vì khí hậu (CPF) của Amazon, các quỹ quản lý đầu tư như T. Rowe Price, Fidelity Investments và những quỹ đầu tư khác góp mặt trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng sắp tới của Rivian.

Những tay chơi công nghệ như Foxconn hay Apple cũng không chịu đứng ngoài cuộc. Ngay đầu năm 2021, Foxconn - nhà cung ứng lớn của Apple tại châu Á - đã có bước chạy đà căng sức khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với start-up xe điện Byton (Trung Quốc) và Hãng ô tô Geely (Hồng Kông) về sản xuất xe điện. Còn “gã khồng lồ” công nghệ Apple cũng khiến người ta phải nghĩ lại kế hoạch xe điện từng bị chỉ trích là chậm triển khai sau khi Hãng Huyndai (Hàn Quốc) đánh tiếng về việc thiết lập  liên doanh sản xuất ô tô xe điện vào năm 2024.

Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời Apple cho biết, Apple đã đề xuất hợp tác và Huyndai đang xem xét các điều khoản. Trong khi đó, Huyndai vẫn bóng gió về các đối tác cho liên doanh mới, mà không đề cập trực tiếp Apple.

Ở Trung Quốc, nơi hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đang làm mưa làm gió, thì Baidu - “người khổng lồ” Internet của Trung Quốc vào trung tuần tháng 1 vừa qua đã đạt được thỏa thuận đối tác tác chiến lược với Hãng ô tô nội địa Geely thành lập một công ty riêng để sản xuất xe điện. Nguồn thạo tin của CNBC cho hay, liên doanh này sẽ hoạt động độc lập với Baidu, nhưng Baidu vẫn nắm phần lớn cổ phần, còn Geely giữ lượng cổ phần nhỏ.

Theo nhận định của bà Fan Cheuk Wan, Giám đốc đầu tư tại đơn vị quản lý tài sản và ngân hàng tư nhân (Tập đoàn HSBC), những cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo toàn cầu về trung tính carbon sẽ tiếp tục đem đến nhiều cơ hội cho đầu tư xanh, đặc biệt lĩnh vực năng lượng mới, xe điện và các ngành khác có liên quan. Bà Fan Cheuk Wan cho rằng, ở châu Á, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào cuộc cách mạng xanh tại Trung Quốc với những cơ hội đầu tư kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Đồng thời, những doanh nghiệp/ngành nghề gây rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị như năng lượng, đều phải hướng đến phát thải carbon thấp. “Điều đó đồng nghĩa, các nhà đầu tư sẽ phải cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng bền vững hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị”, bà Fan Cheuk Wan lưu ý.

(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan
Tin khác