Thời sự
Tăng trưởng xanh phải đến từ đầu tư xanh
Nhuệ Mẫn - 08/10/2013 12:13
Những hệ lụy do tăng trưởng nóng đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam đang đối mặt.
TIN LIÊN QUAN

Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, với nhiều mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo quan trọng đã đạt được, Việt Nam chính thức bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình.

Trong vòng 10 năm qua, mức tiêu thụ điện của Việt Nam đã tăng tới 400%

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, chứ chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng từ các sản phẩm, dịch vụ...

Do vậy, tăng trưởng không bền vững lại tạo ra nhiều tác động tiêu cực về biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) thừa nhận: “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; suất tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm còn cao, gây ô nhiễm môi trường. Các ngành kinh tế, công nghệ thân thiện với môi trường chậm phát triển. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và chưa tiết kiệm; môi trường sinh thái nhiều khu vực tiếp tục bị ô nhiễm”.

Trong vòng 10 năm qua, nền kinh tế phát triển mạnh cùng dân số gia tăng kéo theo mức tiêu thụ điện của Việt Nam tăng tới 400%. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu về năng lượng tăng cao như vậy, thì việc sử dụng năng lượng lại không hiệu quả hoặc lãng phí. Suất tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ở nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan và Malaysia.

Chi phí năng lượng tăng cao dẫn tới tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, dịch vụ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp. “Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tổn thất năng lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh có thể là cách nhanh nhất để giảm chi phí. Tuy vậy, nguồn tài chính và năng lực của các tổ chức tín dụng cho các dự án phát triển năng lượng bền vững đang rất hạn chế. Đồng thời, còn có những rào cản trong nhận thức về phát triển bền vững của người dân và các cấp điều hành trung gian”, ông Romel M. Carlos, Giám đốc Dự án Tài trợ năng lượng bền vững tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.

Vì vậy, theo chuyên gia IFC, các ngân hàng thương mại có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam. Khi nguồn cung cấp năng lượng chưa ổn định, chi phí năng lượng ngày càng tăng cao, thì việc ban hành pháp luật liên quan đến sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng như việc thắt chặt hơn công tác quản lý và bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Thêm vào đó, nhu cầu đầu tư sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn ở Việt Nam sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho thị trường tài chính mở rộng sang một lĩnh vực mới.

“Thực tế từ các nền kinh tế mới nổi cho thấy, tài trợ sử dụng năng lượng hiệu quả đã, đang và sẽ là lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng cho các ngân hàng. Có thể lấy ví dụ, danh mục đầu tư cho năng lượng hiệu quả của Ngân hàng BPI của Philippines tăng đến 363 triệu USD chỉ trong vòng hai năm”, ông Romel Carlos cho biết.

Những ngân hàng đi tiên phong trong việc xây dựng chiến lược và sản phẩm kinh doanh về tài trợ sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ có lợi thế trong lĩnh vực mới trên thị trường, nâng cao uy tín của mình.

Bằng cách đưa các sản phẩm đầu tư dự án sử dụng năng lượng hiệu quả vào danh mục các sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, các ngân hàng vừa có thể giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận, vừa có thể mở rộng được đối tượng khách hàng cũng như phân khúc thị trường của mình...

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ của IFC

Tin liên quan
Tin khác