Viễn thông - Công nghệ
Doanh nghiệp Fintech nóng ruột chờ thí điểm Sandbox
Hữu Tuấn - 19/09/2021 09:16
Doanh nghiệp P2P (ngang hàng) đang đặc biệt quan tâm đến đối tượng và điều kiện tham dự thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính.
Các doanh nghiệp P2P mong muốn, các tiêu chí cấp giấy phép thí điểm Sandbox được xây dựng một cách minh bạch.

Lo “đứng ngoài vòng pháp luật”, thua trên sân nhà

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ xem xét việc xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) và cơ chế này dự kiến được ban hành vào cuối năm nay.

Theo Dự thảo Nghị định, để được tham gia Sandbox, doanh nghiệp Fintech phải thỏa mãn một loạt tiêu chí, như giải pháp hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh; là giải pháp sáng tạo lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tính sáng tạo cao; được quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung, có phương án xử lý, khắc phục rủi ro trong quá trình thử nghiệm; có tính khả thi và thương mại cao…

Sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm (1 - 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể), doanh nghiệp Fintech sẽ được cấp chứng nhận nếu hoàn thành các tiêu chí.

Hiện tại, có hàng trăm doanh nghiệp Fintech hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng cho vay ngang hàng (P2P) đã có sự hiện diện của hơn 100 doanh nghiệp. Các mô hình hoạt động mới như cho vay P2P, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng… đang rất lo lắng về nguy cơ “nằm ngoài vòng pháp luật” trong thời gian tới.

“Hiện chỉ 10% doanh nghiệp P2P có thể đáp ứng các tiêu chí mà Dự thảo đề ra. Doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình Sandbox được xem là sự chấp thuận của cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp hoạt động hợp lệ, ít nhất trong thời gian thử nghiệm. Do đó, những doanh nghiệp không nằm trong danh sách có thể bị thị trường đánh giá thấp hoặc xem là “ngoài vòng kiểm soát”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá.

Ông Trần Việt Vĩnh, CEO & Founder Fiin Credit cho biết, khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, hoạt động của các Fintech nói chung và mô hình P2P nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, do tâm lý lo rủi ro khi chưa có hành lang pháp lý bảo vệ, nên số người tham gia hạn chế hơn, chưa khuyến khích được các dòng tiền nhàn rỗi trong dân vào nền kinh tế.

Thứ hai, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng khoảng trống pháp lý để hoạt động trá hình dưới vỏ bọc cho vay P2P để làm tín dụng đen phi pháp, ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp lớn, hay các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư muốn hợp tác cùng phát triển với các Fintech trong lĩnh vực cho vay P2P để mở rộng phạm vi ứng dụng, khai thác các lợi thế của mô hình dịch vụ mới này, nhưng không thể ký kết.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp Fintech, điển hình là Fiin Credit, không đưa được app lên kho App Store của Apple, bởi phía Apple yêu cầu phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước mới duyệt đưa lên app. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định pháp lý cụ thể đối với mô hình dịch vụ này.

Một số đề xuất cơ chế thử nghiệm P2P

Các doanh nghiệp P2P cho biết, họ rất mong Dự thảo xây dựng một cách minh bạch, rõ ràng các tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia và được cấp giấy phép thí điểm.

Nếu Nghị định sớm được ban hành, doanh nghiệp P2P Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển công bằng trên chính sân nhà. Qua đó cũng sàng lọc và loại bỏ được các tổ chức, cá nhân hoạt động phi pháp, giúp thị trường trong sạch hơn, người dùng có thể an tâm sử dụng dịch vụ.

- Ông Trần Việt Vĩnh, CEO & Founder Fiin Credit

“Doanh nghiệp nào đáp ứng đúng, đủ các tiêu chí thì được cấp. Không để tạo ra cơ chế xin - cho trong quá trình cấp giấy phép. Chúng tôi hy vọng, Nghị định sẽ mở cơ hội, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Fintech. Không áp dụng cứng nhắc khung pháp lý truyền thống để quản lý các mô hình sáng tạo mới. Nghị định phải tạo cơ hội công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia cùng các doanh nghiệp, tổ chức lớn”, CEO một doanh nghiệp P2P đề nghị.

Ông Trần Việt Vĩnh cho biết, đang có thông tin rằng, Dự thảo sẽ giới hạn số lượng đơn vị được xét duyệt tham gia cơ chế thử nghiệm. Việc này sẽ dễ dẫn đến tiêu cực trong cuộc chạy đua xin cấp phép, có thể tạo nên sự bất công bằng cho nhiều đơn vị. Vì vậy, ông Vĩnh đề nghị cho phép tất cả các đơn vị đủ điều kiện, tiêu chí được cấp phép tham gia.

Liên quan tiêu chí tham gia thử nghiệm, ông Vĩnh đề xuất bổ sung tiêu chí: doanh nghiệp, tổ chức đã và đang cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường đúng với dịch vụ xin phép và đã có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu trên 2 năm. Điều này đảm bảo doanh nghiệp, tổ chức có đủ năng lực, kinh nghiệm phát triển và vận hành dự án. Thời gian thử nghiệm nên là 5 năm với các dự án tốt.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Dự thảo đã không đề ra những cấp độ hoạt động trong lĩnh vực P2P. Doanh nghiệp P2P đang hoạt động tại Việt Nam có thể tạm phân loại theo 4 cấp độ khác nhau, gồm chỉ kết nối nhà đầu tư và bên vay; có thẩm định khả năng trả nợ hay hoàn vốn của bên vay; có quy định lãi suất, phí, thời gian vay, phương pháp trả nợ và các quy định khác liên quan đến nhà đầu tư và bên vay; công ty P2P không những kết nối, mà còn được ủy thác vốn và cho vay có giới hạn.

“Các công ty tham gia Sandbox phải tự phân loại hoạt động của mình theo các cấp độ và trên cơ sở đó, phải xây dựng các sản phẩm và quy trình vận hành cụ thể. Từ những thông tin này, Ngân hàng Nhà nước sẽ duyệt hồ sơ xin tham gia Sandbox của các đơn vị”, ông Hiếu đề xuất.

Các chuyên gia khuyến nghị, để có cơ hội được phê duyệt tham gia thử nghiệm P2P, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký theo Dự thảo (đơn đăng ký tham gia, giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải pháp Fintech…). Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các tài liệu liên quan, như vốn điều lệ, danh mục sản phẩm, quy trình kết nối nhà đầu tư và bên vay vốn, quản trị rủi ro, lãi suất và phí…

Tin liên quan
Tin khác