Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, 90% thành công của doanh nghiệp đến từ yếu tố con người. Bởi vậy, thu hút và giữ chân những nhân sự tốt luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế mà phần lớn doanh nghiệp có xuất phát điểm từ mô hình công ty gia đình như tại Việt Nam, điều này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Doanh nhân Đỗ Hữu Thanh ngồi ở vị trí CEO. |
Vấn đề nằm ở chỗ, thế hệ sáng lập trong những công ty gia đình thường ưu tiên bổ nhiệm con cháu vào những vị trí chủ chốt và cấp cao, bởi sự tin tưởng giữa những thành viên trong gia đình vẫn là một trong những yếu tố đảm bảo thành công trong kinh doanh. Nhưng nhiều khi, người tài không phải là người nhà, dẫn đến những mâu thuẫn trong quản trị.
Chương trình CEO - Chìa khóa thành công vừa qua đã đề cập vấn đề này thông qua chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược nhân sự”. Chương trình nói về câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình có 20 năm sản xuất và kinh doanh thành công trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Sau một thời gian du học và làm việc ở nước ngoài, con trai của Chủ tịch HĐQT đã về nước và được chuyển giao vị trí CEO.
Sau nhiều đề xuất đầy thuyết phục về cải tổ quy trình sản xuất, marketing, hành chính…, CEO tiếp tục đề nghị cải tổ hệ thống nhân sự, lên kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho toàn thể nhân viên, đặc biệt là các vị trí quản lý và điều hành.
Ngoài ra, theo phương án do CEO đề xuất, với những nhân sự có năng lực để đảm nhận các vị trí chủ chốt, thì dù là người trong nhà hay người ngoài, công ty sẽ đầu tư cho họ tham gia các khóa đào tạo đặc biệt ở nước ngoài, đồng thời cho họ tham gia vào những vấn đề chuyên sâu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
CEO thuyết phục HĐQT rằng, ngoài lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được từ việc tăng cường năng lực chuyên môn, thì doanh nghiệp còn tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn. Chính văn hóa đào tạo này sẽ là động lực để giữ chân người tài, cũng như thu hút thêm nhân tài cho công ty.
Tuy nhiên, kế hoạch của CEO đã vấp phải sự phản đối của các thành viên HĐQT. Các thành viên HĐQT cho rằng, chỉ nên đầu tư vào các vị trí quản lý do con cháu trong nhà nắm giữ để đảm bảo tính lâu dài, hiệu quả.
Quan điểm của HĐQT nhận được khá nhiều đồng tình của khán giả theo dõi chương trình. Bạn Đức Trí đặt câu hỏi: “Đào tạo họ xong, họ bỏ doanh nghiệp để sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, thậm chí mở doanh nghiệp để cạnh tranh trực tiếp thì sao?”
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ủng hộ quan điểm của CEO. Bạn Hoàng Bích Loan cho rằng, yếu tố tiên quyết khiến nhân sự gắn bó, phục vụ và làm việc hết mình là minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Sau những tranh luận “bất phân thắng bại” giữa CEO và các thành viên HĐQT, CEO của tình huống này là ông Đỗ Hữu Thanh, Tổng giám đốc Công ty May Sư Tử Vàng đã mời 2 vị chuyên gia tư vấn để giải quyết tình huống này, đó là ông Trần Quốc Việt, Thành viên HĐQT, kiêm quyền Tổng giám đốc điều hành CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng và bà Bùi Thy Hương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn con người và tổ chức - PwC Vietnam.
Hai vị chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp nào để giúp CEO xử lý tình huống trên. Câu trả lời sẽ có tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (10/6) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (11/6) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).