Nới lỏng thị thực
Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018 vừa diễn ra, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rất phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” ngay trong thời gian diễn ra Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018. |
Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong đề án này là vai trò của doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt thị trường sản phẩm, có thể khai thác tối đa lợi thế của sản phẩm, thị trường có lợi thế của riêng ngành du lịch Việt Nam và hình thành được hệ thống sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2025 sẽ đạt tổng doanh thu 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. Để mục tiêu này thành hiện thực, các doanh nghiệp cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết của ngành du lịch hiện nay.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), du lịch Việt dù được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng, nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng, tính bền vững. Nhiều khách quốc tế đến rồi đi không trở lại.
Nhìn từ thực tế ngành du lịch, ông John Lindquist, thành viên Hội đồng Cơ quan du lịch Vương quốc Anh nhận định, mặc dù Việt Nam đã đạt con số 16 triệu lượt khách quốc tế, tăng mạnh so với 2 năm trở lại đây, nhưng mức độ chi tiêu của du khách còn thấp, số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày. Đặc biệt, tỷ lệ quay lại của khách quốc tế đến Việt Nam chỉ dừng lại ở 10%, còn của Thái Lan là 80%.
Ông Lindquist cho rằng, kết quả này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân là Việt Nam có chính sách thị thực quá chặt chẽ. “Việt Nam chỉ cần miễn visa cho 2 thị trường là Anh và Italia thì tổng lượng khách đã có thể tăng lên tới khoảng 20%”, ông Lindquist nói.
Xúc tiến hiệu quả khi nguồn lực eo hẹp
Cũng đưa ra góc nhìn so sánh giữa Thái Lan và Việt Nam, nhưng bà Sandra Leech, Giám đốc Công ty SLC Representation Ltd lại đề cập nội dung từ lâu các doanh nghiệp mong mỏi nhưng chưa có hướng giải quyết, đó là kinh phí cho quảng bá, xúc tiến du lịch quá ít, chỉ khoảng 2 triệu USD, trong khi ở Thái Lan, con số này là 100 triệu USD.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia du lịch toàn cầu, ông John Lindquist đặc biệt nhấn mạnh đề nghị Tổng cục Du lịch nên tách riêng chức năng quản lý và quảng bá du lịch để không có xung đột lợi ích.
Theo ông, việc Chính phủ quy định rõ ràng, minh bạch và tách bạch về vai trò của hai đơn vị này sẽ giúp ngành du lịch có thể thu hút được nhiều nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá, nhất là từ khối tư nhân.
Tuy nhiên, thay vì đề xuất giải pháp tăng số tiền này lên như phần đông các doanh nghiệp trước đó đã kiến nghị, bà Leech lại nhấn mạnh tới việc mỗi đồng đầu tư ra, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể sẽ nhắm vào ai, đối tượng nào, quốc gia nào, thị trường nào để xác định khách hàng mục tiêu.
Dưới góc độ người làm du lịch, ông Kiên đặc biệt nhấn mạnh tới việc định vị sản phẩm Việt Nam ra quốc tế, quan trọng đầu tiên là bắt buộc theo xu hướng chung của thị trường, nghĩa là càng có sản phẩm độc đáo duy nhất thì càng thành công, càng sáng tạo, càng gần văn hóa thì càng được khách hàng chú ý.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Kiên lấy ví dụ sản phẩm đang tạo ra cơn sốt cho khách du lịch quốc tế mà doanh nghiệp ông trực tiếp bán tại Hà Nội là tour đi bộ 3 tiếng ăn nhà hàng địa phương, thưởng thức các món ăn bình dân đậm chất Hà Nội như món bún chả, phở, chả cá Lã Vọng…
Trong khi đó, bà Tuyết Vũ, Quản lý dự án cấp cao, Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston Consulting cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể giải được bài toán quảng bá du lịch mà không tốn kém nhờ vào nền tảng kỹ thuật số.
“Trải nghiệm số đang ảnh hưởng khá lớn tới các quyết định của khách du lịch với tỷ lệ 60-70% khách quốc tế vào các trang bán dịch vụ trực tuyến để mua dịch vụ khách sạn, vé máy bay và xem đánh giá các điểm đến trước khi đưa ra quyết định. Nghiên cứu của chúng tôi trên top 10 thị trường lớn nhất đến Việt Nam cho thấy, phần lớn khách du lịch sử dụng di động để trải nghiệm hành trình. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị trên nền tảng số”, bà Tuyết Vũ nói.
Cũng theo bà Tuyết Vũ, việc thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến, cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch sẽ tạo ra những bước đi và cách làm mới mà Việt Nam nên tham khảo.
Điều này càng đặc biệt quan trọng khi riêng thị trường du lịch Đông Nam Á, năm 2015, giá trị mang lại từ du lịch trực tuyến chỉ dừng lại ở con số 19 tỷ USD, thì năm 2018, con số này đã tăng lên 30 tỷ USD, dự báo tới năm 2025, giá trị từ mảng dịch vụ du lịch sẽ tăng lên khoảng 78 tỷ USD.